Thủ tướng: gỡ nút thắt thể chế, hỗ trợ nông dân bước vào kỷ nguyên mới
Các bộ ngành tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính để hỗ trợ nông dân; bám sát, đánh giá chính sách được Chính phủ ban hành đã đi vào thực tiễn hay chưa, nông dân còn khó khăn gì, để kịp thời tháo gỡ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ như trên khi chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 vào sáng 31/12. Sự kiện do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức với chủ đề “Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vững tin bước vào kỷ nguyên mới”.
Nông nghiệp không thể đứng 1 mình
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, nhìn lại 1 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp, Việt Nam đã đạt 15/15 chỉ tiêu đề ra trong năm 2024. Đây cũng là năm mà hiếm có khi các chỉ tiêu đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Trong kết quả đó có đóng góp lớn của người nông dân.
Nông nghiệp đóng góp quan trọng, xuất khẩu 62,5 tỷ USD, xuất siêu gần 18 tỷ USD (chiếm 70% xuất siêu của cả nước). Nông sản Việt đã có mặt trên 190 quốc gia trên thế giới. Ngành nông nghiệp không chỉ làm đủ ăn mà còn phục vụ xuất khẩu. Qua đó khẳng định, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nông nghiệp Việt Nam đang chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Với tư duy mới, nông nghiệp không thể đứng 1 mình mà cần có hệ sinh thái.
Trong hệ sinh thái mà Thủ tướng nói đến, bao gồm tất cả các ngành nghề khác, có tác động tương hỗ, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Ở chiều ngược lại, các ngành nghề khác cũng cần nông nghiệp để kiến tạo hệ sinh thái của riêng minh.
Thủ tướng đánh giá, hiện nay có nhiều vấn đề về phát triển nông nghiệp phải giải quyết. Nổi cộm trong số này là các vấn đề về tích tụ đất đai, khoa học công nghệ, năng suất lao động và nguồn vốn tín dụng.
“Vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nhưng đã đủ mạnh chưa thì cần có sự kiểm chứng của nông dân. Các bộ ngành, địa phương cũng cần bám sát, xem chính sách đã đi vào thực tiễn hay chưa, nông dân còn khó khăn gì để tập trung tháo gỡ” - Thủ tướng nêu vấn đề.
Tập trung tháo gỡ rào cản thể chế
Một trong những vấn đề cần làm tốt, theo người đứng đầu Chính phủ, là công tác quy hoạch. Mỗi khu vực có tiềm năng lợi thế cạnh tranh riêng, do đó cần làm tốt công tác quy hoạch; xác định được khu vực nào tốt nhất cho cây ăn quả, vùng nào trồng lúa, ngô khoai sắn cho năng suất cao…
“Phải có quy hoạch ngành, quy hoạch về đất đai có tính liên kết vùng. Trong luật hiện hành đã quy định rõ, đề nghị các cấp chính quyền quan tâm thực hiện đảm bảo bài bản, hiệu quả” - Thủ tướng đề nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, chế biến sâu hiện nay vẫn là khâu yếu của ngành nông nghiệp. Nhà nước đã có đầu tư nhưng rất mong muốn và khuyến khích doanh nghiệp, người nông dân tham gia sâu hơn. Bên cạnh đó là xây dựng thương hiệu; phải có thương hiệu bởi cùng với một nguyên liệu nhưng có thương hiệu thì sẽ dễ tiếp cận thị trường quốc tế.
Cùng với chế biến sâu, kết nối thị trường cũng là khâu mà Thủ tướng đánh giá còn yếu. “Mình phải sản xuất cái người ta cần chứ không phải mang đến cái mình đang có. Do đó, việc nghiên cứu thị hiếu và đòi hỏi, mong muốn của người tiêu dùng là rất quan trọng” – Thủ tướng nói, đồng thời nhìn nhận “việc này Chính phủ, doanh nghiệp đã, đang và sẽ làm cho nông dân”.
Để giải quyết hai vấn đề chế biến sâu và kết nối thị trường, Thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là về thuê đất, thuế, ưu đãi tín dụng, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.
Thủ tướng cũng đề nghị các nhà khoa học vào cuộc hỗ trợ cho người nông dân. Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành cần có chính sách hỗ trợ tín dụng một cách linh hoạt trên tinh thần bám sát nhu cầu phát triển của nông dân để có điều tiết phù hợp nguồn lực hỗ trợ nông dân.
Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ KH&ĐT nghiên cứu sửa đổi Luật Đầu tư để hỗ trợ nông dân tốt hơn. Các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu đơn giản hóa hoặc xóa bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết. “Hôm nay ban hành ngày mai sửa cũng không sao. Quy định không đi vào thực tiễn thì sửa chứ không vấn đề gì…” - Thủ tướng bày tỏ quan điểm.
Trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ NN&PTNT cần hướng đến phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững. Các doanh nghiệp và người nông dân vần ý thức vấn đề này, để đẩy mạnh các mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm giảm bớt phụ thuộc vào thiên nhiên.
Nhấn mạnh thể chế chính sách đang là điểm nghẽn cần tháo gỡ, Đảng và Nhà nước đang tập trung tháo gỡ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thời mong muốn nông dân từ thực tiễn sản xuất, sẽ có hiến kế cho Chính phủ, để hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích mọi người dân đóng góp được sức mình cho phát triển nông nghiệp.
“Qua 5 lần tổ chức Hội nghị, nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát huy vai trò chủ thể của người nông dân đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành Trung ương và địa phương tập trung giải quyết, tạo sự chuyển biến rõ nét, tích cực; được đông đảo bà con nông dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng tham gia. Đặc biệt, từ sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP đối thoại với nông dân đã được tổ chức thường xuyên, nghiêm túc, bài bản; trở thành hoạt động đầy ý nghĩa, tạo cầu nối quan trọng giữa chính quyền với cán bộ, hội viên nông dân…” - Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn.