Thủ tướng gỡ vướng dự án chống ngập 10.000 tỉ tại TP.HCM

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ sẽ có Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng tại TP.HCM.

Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, chiều 31-3.

Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đã báo cáo về dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng.

Chống ngập là yêu cầu cấp thiết của TP.HCM

Hiện dự án này đã đạt khối lượng trên 96%, nhưng chưa thể tiếp tục thực hiện vì vướng mắc các thủ tục pháp lý liên quan đến việc thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP

Trong đó, nút thắt là việc TP.HCM có thể thanh toán cho nhà đầu tư với 16% giá trị hợp đồng bằng quỹ đất, 84% bằng tiền hay thanh toán 100% bằng quỹ đất. Theo ông Dũng, vướng mắc chính hiện nay của dự án liên quan đến phương án thanh toán cho nhà đầu tư.

Cụ thể, tại nghị định số 15/2015 và quyết định số 23/2015 quy định thực hiện thanh toán dự án BT bằng quỹ đất theo nguyên tắc ngang giá, bù trừ chênh lệch, giữa giá trị dự án BT và giá trị dự án thanh toán.

Ông cho rằng, mặc dù Nghị định 15 và quyết định 23 và thông báo số 285 của Chính phủ không quy định cụ thể tỉ lệ thanh toán bằng quỹ đất và bằng tiền nhưng UBND TP ký hợp đồng BT với nhà đầu tư với tỉ lệ giá trị quỹ đất chỉ bằng 16% giá trị dự án là chưa hoàn toàn phù hợp.

Cũng theo ông Dũng, nghị định 15 quy định phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền quy định của pháp luật về đầu tư công để quyết định chủ trương sử dụng vốn nhà nước, trước khi phê duyệt đề xuất dự án. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, UBND TP.HCM có báo cáo và được HĐND TP chấp thuận nhưng chưa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Để tháo gỡ vướng mắc dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết của Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai dự án theo kiến nghị của UBND TP.HCM.

Về phía Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng, TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước, do tác động của biến đổi khí hậu nên mỗi khi mưa lớn, triều cường thì tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường vốn đã nghiêm trọng lại càng nghiêm trọng hơn.

Do vậy, việc triển khai các dự án chống ngập là yêu cầu cấp thiết đối với TP.

Chậm trễ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển

Ông Dũng cho biết thêm, ngày 30-3, Văn phòng Chính phủ đã làm việc với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm rõ hơn cơ sở pháp lý việc ban hành nghị quyết.

Tại cuộc họp này, các bên đã thống nhất việc Chính phủ ban hành nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc cho dự án chống ngập của TP.HCM là có cơ sở và thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Do vậy, dự thảo của nghị quyết sẽ được trình Thủ tướng ký ban hành trong ngày 1-4-2021. “Đây là dự án cấp thiết của TP.HCM, nếu để chậm trễ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là môi trường, lãng phí nguồn lực đã đầu tư” – ông Dũng nói và cho rằng việc Chính phủ xem xét ban hành nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc nhằm tiếp tục triển khai dự án là cần thiết.

Dự án chống ngập 10.000 tỉ của TP.HCM đang gặp vướng. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Dự án chống ngập 10.000 tỉ của TP.HCM đang gặp vướng. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, cho biết một số cơ quan tại TP.HCM chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện dự án chống ngập quy mô gần 10.000 tỉ đồng. Người đứng đầu ngành Tư pháp cũng cho rằng Chính phủ cần có một Nghị quyết để tháo gỡ tình thế hiện tại.

“Qua dư luận, tôi thấy nhiều điều trái chiều đối với dự án trên. Nghị quyết cần có nội dung xem xét trách nhiệm những người có liên quan dự án từ khâu làm thủ tục, thông qua đến công đoạn thực hiện” – ông Long nói.

Kết luận về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan dự án này. Ngoài ra, TP.HCM phải thực hiện thanh toán, quyết toán đối với toàn bộ dự án để loại bỏ những bất hợp lý, chống thất thoát, lãng phí.

“Đừng đổ lỗi cho Chính phủ nếu dự án này không phát huy hiệu quả vì TP.HCM đã phê duyệt dự án này. Chính phủ sẽ tháo gỡ khó khăn nhưng TP.HCM phải thực hiện thanh toán, quyết toán đúng quy định pháp luật” – ông Nguyễn Xuân Phúc nói và khẳng định Chính phủ sẽ có Nghị quyết về vấn đề này vào ngày mai (1-4).

TÁ LÂM - LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/thu-tuong-go-vuong-du-an-chong-ngap-10000-ti-tai-tphcm-975982.html