Thủ tướng: Hơn 8 triệu người được tạo việc làm mới trong 6 năm qua
Sáng nay (10/11), Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tiếp tục nội dung chất vấn và trả lời chất vấn.
Phát biểu tại Quốc hội sáng 10/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong 6 năm qua có hơn 8 triệu người được tạo làm mới. Trong đó, cả người đến tuổi lao động và những người bị mất việc làm trước đó.
Thủ tướng cho biết, có những người lao động ở vùng miền núi, vùng nông thôn chỉ có thu nhập 300 - 500 nghìn đồng/tháng. Chính phủ sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành, ưu tiên nguồn lực để tạo điều kiện cho những người có thu nhập thấp, những người chưa có việc làm.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu các ngành, các cấp tăng cường đào tạo, trau dồi kiến thức, kỹ năng, tạo nhiều việc làm mới cho thanh niên cho vùng nông thôn, miền núi.
Cũng trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung đã trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Mai Hồng Hải (Đoàn Hải Phòng) liên quan đến nguồn bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong những năm qua, việc bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực của chúng ta được Đảng và Nhà nước cũng như các địa phương, các cấp, các ngành quan tâm, tuy nhiên dù tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 60% nhưng tỷ lệ có chứng chỉ còn thấp.
Người đứng đầu ngành LĐTBXH nhấn mạnh, để khắc phục vấn đề này cần tập trung bồi dưỡng và nâng cao kỹ năng cho người lao động; tạo việc làm thỏa đáng; quan tâm đến an sinh bền vững, trong đó có hai trụ cột là BHXH và BHYT.
Thời gian vừa qua, Bộ LĐTBXH đã tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 24, trong đó, tập trung tranh thủ thời cơ dân số vàng, đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, tay nghề cao để tăng năng suất lao động, nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Trong thời gian tới, ngành LĐTBXH chú trọng phát triển lượng lao động qua đào tạo phù hợp với thông lệ quốc tế, đưa chỉ tiêu lực lượng lao động qua đào tạo có chứng chỉ là tiêu chí bắt buộc, phấn đấu mỗi năm tăng 4%, và đến năm 2025 lao động qua đào tạo đạt tỷ lệ 40% đến 45%, tương đương mặt bằng chung các nước phát triển.
Cùng với đó là tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trong hoạt động đào tạo nghề cần tăng cường chuyển đổi số, đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng thường xuyên, trang bị cho người lao động kỹ chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, ngoại ngữ thích ứng với thị trường lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm, ngành LĐTBXH cũng sẽ làm tốt công tác dự báo cung - cầu về thị trường lao động; sắp xếp lại quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và chất lượng cao; tăng cường liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà nước - nhà trường - nhà DN trong hoạt động đào tạo nghề nghiệp khuyến khích DN công nhận, tuyển dụng, sử dụng và trả lương người lao động dựa trên những kỹ năng.
Từ đó, tiến tới sử dụng những lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ trong các DN, các DN không chỉ tiếp nhận các lao động đã qua đào tạo mà phải đào tạo người lao động trong DN chưa được đào tạo./.