Thủ tướng họp với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục thích ứng chủ động, linh hoạt với tình hình mới về thương mại, đầu tư quốc tế, trên tinh thần không chủ quan, lơ là cũng không hoang mang, lo sợ, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thách thức.
Tận dụng tối đa các thời cơ
Tối 22/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm nay, tạo đà tăng trưởng hai con số giai đoạn tiếp theo.
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá, trong những tháng đầu năm, công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng đã được triển khai một cách chủ động, quyết liệt và toàn diện, đóng góp thực chất cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và phát triển của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.
Ngoại giao kinh tế tiếp tục được thể chế hóa, hệ thống hóa một cách bài bản; có được sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai gần 300 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; hỗ trợ địa phương tổ chức hơn 150 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của các địa phương ở trong và ngoài nước...
Khẳng định tình hình diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường đòi hỏi phải có ứng phó nhanh, kịp thời, hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục nắm chắc tình hình, đánh giá chính xác đối tác - đối tượng, tham mưu, đề xuất giải pháp, không để lãnh đạo Đảng, Nhà nước bị động, bất ngờ về đối ngoại.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng lưu ý các bộ trưởng, trưởng các cơ quan đại diện, các địa phương, các hiệp hội ngành nghề, các cơ quan liên quan phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với tinh thần "ngoại giao kinh tế là một trong những trọng tâm của ngoại giao thời đại mới" theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, tăng tốc, bứt phá, cụ thể hóa, triển khai ngay các thỏa thuận cấp cao, tận dụng tối đa các thời cơ, cơ hội.
Nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn
Về các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh đối thoại, tư vấn chính sách về các vấn đề kinh tế phát triển của Việt Nam và chú trọng nghiên cứu dài hạn về những vấn đề chiến lược với tinh thần "nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn".
Thủ tướng nhấn mạnh tiếp tục đưa quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn, các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất, bền vững, lâu dài trên cơ sở tin cậy, chân thành, hài hòa lợi ích, tạo lập những đột phá mới, giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn phát sinh, các vướng mắc trong quan hệ.

Các đại biểu tham dự hội nghị.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết cần tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, chú trọng làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức).
Để đẩy nhanh triển khai Nghị quyết 222/2025/QH15 về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy ký kết MOU giữa Abu Dhabi (UAE) với Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM; học hỏi kinh nghiệm triển khai Trung tâm tài chính quốc tế Astana (AIFC) của Kazakhstan…
Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục thích ứng chủ động, linh hoạt với tình hình mới về thương mại, đầu tư quốc tế, trên tinh thần không chủ quan, lơ là cũng không hoang mang, lo sợ, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thách thức.
Thủ tướng lưu ý sớm kết thúc đàm phán FTA với MERCOSUR, Brazil; thúc đẩy ký Hiệp định thương mại gạo với 5 nước Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Brazil; cố gắng khởi động đàm phán FTA với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Bangladesh, thỏa thuận thương mại ưu đãi với Pakistan...; thúc đẩy các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc, Trung Á.