Thủ tướng: Ngoại giao kinh tế là một trong những trọng tâm của ngoại giao thời đại mới

Tối 22/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2025, tạo đà tăng trưởng hai con số giai đoạn tiếp theo.

6 tháng đầu năm, công tác ngoại giao kinh tế được triển khai chủ động, quyết liệt và toàn diện, đóng góp thực chất, đột phá cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển, tăng trưởng của đất nước. Hoạt động đối ngoại cấp cao sôi động góp phần tiếp tục xây dựng, củng cố và tăng cường quan hệ tốt đẹp với các đối tác trên cơ sở tin cậy, chân thành, hài hòa lợi ích. Với 50 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt, gần bằng cả năm ngoái; đã nâng tầm quan hệ với 10 nước đối tác chiến lược toàn diện; ký kết 253 thỏa thuận, trong đó kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ là trọng tâm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tối 22/7.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tối 22/7.

Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, chủ động duy trì và thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư với các đối tác chủ chốt, quan trọng, nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, các nước ASEAN. Với Hoa Kỳ, đã chủ động, tích cực, bản lĩnh trong xử lý vấn đề thuế quan, là một trong những nước đầu tiên sơ bộ thống nhất về mức thuế đối ứng và hướng tới một Hiệp định thương mại đối ứng công bằng và cân bằng, ổn định, bền vững.

Tiếp tục thúc đẩy đàm phán các FTA với Khối thị trường chung Nam Mỹ, Hiệp hội Mậu dịch Tự do châu Âu, Liên minh Châu Phi, Liên minh thuế quan miền Nam Châu Phi, Hội đồng hợp tác vùng Vịnh... Tiến tới ký kết Hiệp định thương mại gạo với Philippine, Indonesia, Malaysia, Singapore và Brazil. Đồng thời thiết lập và làm sâu sắc các khuôn khổ hợp tác chiến lược về khoa học công nghệ với các đối tác hàng đầu. Chủ động kết nối, thúc đẩy các gặp gỡ và làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tham dự cuộc họp.

Các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tham dự cuộc họp.

Tại buổi làm việc, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp và nhiều nước nêu bật các hoạt động ngoại giao kinh tế góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm nay, tạo đà tăng trưởng hai con số giai đoạn tiếp theo. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai gần 300 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; hỗ trợ địa phương tổ chức hơn 150 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của các địa phương ở trong và ngoài nước... Hỗ trợ nhiều doanh nghiệp kết nối đối tác, tiếp cận, thiết lập và mở rộng sự hiện diện tại thị trường nước ngoài như Viettel, FPT, CMC, Vinfast.

Đại diện UBND thành phố Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Lạng Sơn, UBND thành phố Đà Nẵng...đề xuất các phương án phối hợp với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Lãnh đạo các cơ quan, hiệp hội doanh nghiệp cũng nêu các biện pháp về ngoại giao kinh tế góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2025, tạo đà tăng trưởng hai con số giai đoạn tiếp theo.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh xác định ngoại giao kinh tế là một trong những trọng tâm của ngoại giao thời đại mới.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh xác định ngoại giao kinh tế là một trong những trọng tâm của ngoại giao thời đại mới.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh những kết quả tích cực đã đạt được. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, không được chủ quan, đề nghị các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nắm chắc tình hình, tham mưu kịp thời cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, không để bị động, đột xuất, bất ngờ về công tác đối ngoại. Bên cạnh đó, tạo môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm nay. Thúc đẩy quan hệ ngoại giao theo hướng độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả, hài hòa quan hệ với các nước lớn.

Thủ tướng cũng đề nghị triển khai đồng bộ các giải pháp đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy xúc tiến thương mại; khai thác hiệu quả 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, thúc đẩy ký kết các hiệp định thương mại tự do đã có thỏa thuận cấp cao.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục nâng tầm đối ngoại đa phương.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục nâng tầm đối ngoại đa phương.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, việc xác định ngoại giao kinh tế là một trong những trọng tâm của ngoại giao thời đại mới: "Ngoại giao kinh tế là một trong những trọng tâm của nghệ giao thời đại mới. Vì vậy chúng ta phải kết nối với các nền kinh tế một cách chặt chẽ hơn, bao trùm hơn, toàn diện hơn và trên thực tế chúng ta còn nhiều dư địa để làm. Thỏa thuận cấp cao rất tốt, bây giờ các đại sứ, các cơ quan, bộ, ngành thì phải triển khai; các Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, các Hiệp hội ngành nghề phải triển khai".

Thủ tướng đề nghị tiếp tục nâng tầm đối ngoại đa phương, tham gia sâu hơn để phát huy vai trò, chủ động khởi xướng và triển khai hiệu quả, thực chất sáng kiến của Việt Nam tại các diễn đàn quan trọng; tích cực, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong các dự án đầu tư, hợp tác kinh doanh với đối tác nước ngoài tại Việt Nam và với đối tác nước ngoài tại thị trường nước ngoài.

Lại Hoa/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-ngoai-giao-kinh-te-la-mot-trong-nhung-trong-tam-cua-ngoai-giao-thoi-dai-moi-post1216846.vov