Thủ tướng Israel đối mặt tình thế nan giải sau đề xuất ngừng bắn của Mỹ
Ông Netanyahu đang đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa sự tồn tại của chính phủ cứng rắn mà ông đứng đầu và việc đưa các con tin bị giữ ở Gaza về nước với việc đặt Israel vào một lộ trình mới, thoát khỏi sự cô lập quốc tế ngày càng tăng.
Trong nhiều tháng, Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel đã từ chối đưa ra mốc thời gian chấm dứt cuộc chiến chống lại Hamas ở Dải Gaza, một lập trường mà những người chỉ trích ông coi là chiến thuật chính trị. Nhưng lúc này ông đã bị đặt vào tình thế khó khăn sau thông báo của Tổng thống Biden về đề xuất đình chiến.
Theo tờ New York Times, ông Netanyahu, một người bảo thủ, từ lâu đã phải đối mặt với các lợi ích cá nhân, chính trị và quốc gia. Giờ đây, ông dường như đang phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa sự tồn tại của chính phủ cứng rắn mà ông đứng đầu và phóng thích con tin ở Gaza với việc đặt bản thân và Israel vào một lộ trình mới, thoát khỏi sự cô lập quốc tế ngày càng tăng.
Những người chỉ trích Thủ tướng Israel cho rằng ông là người thiếu quyết đoán, thậm chí có “hai con người” bên trong Netanyahu. Theo họ, “một người” trong ông thể hiện một cách thực dụng trong nội các chiến tranh nhỏ mà ông đã thành lập cùng với một số đối thủ ôn hòa. "Người còn lại" thực tế đang bị khống chế bởi các thành viên cực hữu trong liên minh cầm quyền – những người phản đối bất kỳ sự nhượng bộ nào đối với Hamas nhưng cũng là nhóm đảm bảo sự sống còn chính trị của ông Netanyahu.
Ngày 31/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một kế hoạch ba giai đoạn nhằm chấm dứt chiến tranh tại Gaza. Ngay sau đó, các quan chức Israel xác nhận rằng các điều khoản trong kế hoạch này phù hợp với đề xuất ngừng bắn đã được nội các chiến tranh của Israel phê duyệt nhưng chưa được công khai trước công chúng.
Theo kế hoạch trên, giai đoạn đầu tiên sẽ kéo dài trong 6 tuần và bao gồm lệnh ngừng bắn "đầy đủ và hoàn chỉnh", như Israel rút lực lượng khỏi tất cả các khu vực đông dân cư ở Gaza và thả một số con tin bao gồm cả phụ nữ, người già, người bị thương để đổi lấy việc thả hàng trăm tù nhân Palestine. Hơn 100 con tin đã được thả theo một thỏa thuận hạn chế hơn vào tháng 11 năm ngoái. Ước tính có khoảng 125 người vẫn đang bị Hamas và các nhóm vũ trang khác giam giữ ở Gaza, mặc dù hàng chục người được cho là đã chết.
Giai đoạn thứ hai được Tổng thống Biden miêu tả là “giai đoạn chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch”. Tuy nhiên, theo ông Biden, các cuộc đàm phán để đi đến giai đoạn thứ hai có thể mất hơn 6 tuần vì sẽ có những khác biệt giữa hai bên. Trong giai đoạn thứ hai, tất cả các con tin còn sống sẽ được thả, bao gồm cả binh sĩ nam.
Ở giai đoạn thứ ba, một kế hoạch tái thiết lớn cho Gaza sẽ được triển khai và hài cốt của các con tin thiệt mạng sẽ được trao trả cho gia đình.
Sau khi bản kế hoạch được công bố, ông Ben Caspit, một nhà chỉ trích lâu năm nhằm vào ông Netanyhau ngày 2/6 bình luận rằng, Tổng thống Biden “đã đưa ông Netanyahu ra khỏi tình trạng mơ hồ và tự mình trình bày đề xuất thay ông Netanyahu. Rồi ông ấy hỏi một câu đơn giản: Liệu Bibi (chỉ hai đối tác cực hữu trong liên minh cầm quyền Israel) có ủng hộ đề xuất của Netanyahu hay không?”
Hiện tại, “Bibi” - hai nhà lãnh đạo của hai đảng cực hữu trong liên minh – gồm Bezalel Smotrich, Bộ trưởng Tài chính Israel và Itamar Ben-Gvir, Bộ trưởng An ninh quốc gia – đã tuyên bố sẽ lật đổ chính phủ của ông Netanyahu nếu thủ tướng tuân theo thỏa thuận đã vạch ra của Tổng thống Biden trước khi Hamas bị tiêu diệt hoàn toàn. Một số thành viên có đường lối cứng rắn trong đảng Likud của chính ông Netanyahu cũng cho biết sẽ ủng hộ hai nhân vật này.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng quốc phòng, thành viên nội các chiến tranh Benny Gantz và Bộ trưởng nội các Gadi Eisenkot, đã đe dọa sẽ rút lại sự ủng hộ từ đảng Thống nhất Quốc gia ôn hòa của họ trước ngày 8/6 nếu ông Netanyahu không đưa ra một lộ trình rõ ràng phía trước. Bên cạnh đó, các đảng đối lập cũng đe dọa chuẩn bị cho phương án lật đổ chính phủ.
Để hiểu một phần ý định của ông Netanyahu trong tình thế hiện nay, cần phải nhìn vào hai tuyên bố mà văn phòng Thủ tướng Netanyahu đưa ra – một cách bất thường – trong ngày lễ Sabat, liên quan đến việc Tổng thống Biden công bố đề xuất hòa bình. Các tuyên bố đều không ủng hộ mạnh mẽ đề xuất này cũng như không phủ nhận rằng nó đã được Israel trình bày trước các nhà hòa giải. Tuy nhiên, những gì được trình bày là có điều kiện, và chúng dường như được thiết kế nhằm để ngỏ các lựa chọn của ông Netanyahu.
Tuyên bố đầu tiên nói rằng ông Netanyahu đã ủy quyền cho nhóm đàm phán của Israel đưa ra một đề xuất nhằm thả các con tin và cũng “cho phép Israel tiếp tục chiến tranh cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu của mình, bao gồm cả việc tiêu diệt quân đội và năng lực cầm quyền của Hamas”.
Tuyên bố thứ hai nhắc lại những điều kiện đó để kết thúc chiến tranh và nói thêm: “Quan điểm cho rằng Israel sẽ đồng ý ngừng bắn vĩnh viễn trước khi những điều kiện này được đáp ứng là không có cơ sở”.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong những tuyên bố trên không thấy đề cập đến mục tiêu vẫn được ông Netanyahu nhắc đi nhắc lại trước đây là “chiến thắng toàn diện” trước Hamas ở Gaza – một khẩu hiệu mà ông Biden hôm 31/5 đã bác bỏ vì coi đó là một mục tiêu mơ hồ, đồng nghĩa với chiến tranh vô thời hạn.
Rõ ràng các tuyên bố từ văn phòng thủ tướng Israel vào cuối tuần qua dường như đã được điều chỉnh để phù hợp với các mục tiêu chiến tranh mà Israel theo đuổi, cũng như mục tiêu của ông Biden.
Ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tái khẳng định rằng “trong bất kỳ tiến trình nào nhằm chấm dứt cuộc chiến này, chúng tôi sẽ không chấp nhận sự cầm quyền của Hamas”. Ông nói rằng Israel sẽ "cô lập các khu vực" ở Gaza, loại bỏ các thành viên Hamas và "đề xuất các lực lượng giúp thành lập một chính phủ thay thế", mà không nêu rõ lực lượng đó có thể là ai.
Các đối thủ của ông Netanyahu đã cáo buộc ông kéo dài cuộc chiến để ngăn cản một cuộc bầu cử và sự phán xét công khai về những thất bại trong chính sách và tình báo của Israel dẫn đến cuộc tấn công tàn khốc của Hamas vào ngày 7/10/2023. Cuộc thảm sát đó đã châm ngòi cho chiến dịch tấn công quân sự của Israel ở Gaza, kéo theo sự chết chóc và tàn phá trên diện rộng sau đó.
Lựa chọn khó khăn lúc này dồn lên ông Netanyahu, người đang đứng ở ngã ba đường cả về chính trị và chiến lược.
Trong 17 tháng kể từ khi thành lập chính phủ hiện tại của mình – chính phủ cánh hữu và bảo thủ nhất về mặt tôn giáo trong lịch sử Israel, ông Netanyahu đã có mối quan hệ ngày càng căng thẳng với Tổng thống Biden. Và mặc dù bốn nhà lãnh đạo hàng đầu của Quốc hội đã chính thức mời ông Netanyahu phát biểu tại một cuộc họp chung của Quốc hội, họ vẫn chưa ấn định ngày cụ thể. Điều này có thể đang che giấu một cuộc tranh luận hậu trường gay gắt về việc tiếp đón Thủ tướng Israel, do sự chia rẽ chính trị sâu sắc ở Mỹ về cuộc chiến ở Gaza.
Ông Biden đã trình bày rằng thỏa thuận ngừng bắn không chỉ là một cách để ngăn chặn đổ máu ở Gaza mà còn là con đường dẫn đến một cuộc mặc cả lớn hơn ở Trung Đông, có thể khiến Israel trở nên hội nhập hơn vào khu vực và bao gồm một “thỏa thuận bình thường hóa lịch sử tiềm năng với Saudi Arabia”. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết Israel “có thể là một phần của mạng lưới an ninh khu vực nhằm chống lại mối đe dọa do Iran gây ra”.
Ông Biden thừa nhận rằng một số bộ phận trong liên minh của ông Netanyahu sẽ không đồng ý với đề xuất này, khi họ quyết tiếp tục chiến đấu trong nhiều năm và chiếm đóng Gaza. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo Israel “ủng hộ đề xuất hòa bình cho Gaza, bất chấp bất kỳ áp lực nào xảy đến”.