Thủ tướng Israel gây chiến với Hamas để 'đẩy lửa ra ngoài'?
Giao tranh nổ ra ở Dải Gaza giúp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thoát khỏi sức ép từ phe đối lập, nuôi hy vọng tiếp tục nắm quyền.
Chỉ vài ngày trước khi cuộc xung đột nổ ra ở dải Gaza, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi đó đối mặt các cáo buộc tham nhũng.
Suốt 2 năm qua, đảng Likud cầm quyền của ông Netanyahu trải qua 4 lần tổng tuyển cử mà không thể tự đứng ra thành lập chính phủ đa số. Sau 12 năm liên tục giữ chức thủ tướng, ông Netanyahu đứng trước nguy cơ phải rút lui.
Khi những loạt rocket của Hamas vượt qua biên giới, bắn vào lãnh thổ nhà nước Do Thái, cục diện chính trường Israel bỗng chốc xoay chuyển, và gánh nặng thành lập chính phủ liên minh của Thủ tướng Netanyahu được gỡ bỏ, theo New York Times.
Phe đối lập "bị trói cả hai tay"
Sau 4 kỳ tổng tuyển cử đảng Likud không thể thành lập chính phủ, chính trị gia Yair Lapid - lãnh tụ đảng Yesh Atid đối lập - được trao cơ hội đứng ra thành lập chính phủ liên minh mới.
Ông Lapid có hạn chót đến ngày 2/6 để thành lập một liên minh đa số tại quốc hội, qua đó thành lập chính phủ mới, loại bỏ đương kim Thủ tướng Netanyahu. Liên minh này, dù vậy, gồm các các đảng nhỏ, với hệ tư tưởng và chương trình nghị sự đầy mâu thuẫn.
Nhưng khi hạn chót còn chưa đến, tiếng súng vang lên tại Dải Gaza khiến nỗ lực thành lập liên minh của ông Lapid bỗng chốc trở nên vô cùng gian nan.
Các nhà phân tích nhận định bạo lực ở Dải Gaza đã phô bày những khác biệt căn bản giữa các đảng phái chống Netanyahu mà ông Lapid dự định quy tụ, vốn bao gồm cả cánh tả và cánh hữu.
"Rất khó để ngồi xuống đàm phán khi rocket đang được bắn liên hồi, và thời gian thì sắp hết. Đàm phán ban đầu phức tạp bao nhiêu thì nay lại càng khó khăn bấy nhiêu, và có lợi cho Thủ tướng Netanyahu", Reuven Hazen, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Jerusalem, cho biết.
Một trong những nhân tố then chốt trong bất cứ liên minh chống Netanyahu nào trong tương lai là Mansour Abbas, thủ lĩnh đảng Raam của người Hồi giáo Arab.
Trong lịch sử, các đảng của người Arab ít có vai trò trên chính trường Israel. Các đảng cầm quyền thường e ngại phải dựa vào đảng của người Arab tại quốc hội, bởi Israel luôn sống trong vòng vây thù địch của thế giới Arab láng giềng.
Các nghị sĩ Arab cũng không hào hứng tham gia liên minh cầm quyền, bởi họ sẽ bị liên đới trách nhiệm trong các hành động quân sự của quân đội Israel, hay việc mở rộng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây.
Đảng Raam của ông Abbas đầu năm nay đã dự tính đảo ngược lịch sử ấy. Khi nhận thấy không thể đi chung con đường chủ nghĩa dân tộc cánh hữu với Thủ tướng Netanyahu, ông Abbas quay sang cộng tác với thủ lĩnh phe đối lập - ông Lapid - về khả năng thành lập liên minh.
Nhưng tuần qua, căng thẳng leo thang ở Jerusalem lên cao trào với xung đột quân sự tại Gaza đã buộc ông Abbas dừng mọi cuộc thảo luận với đảng Yesh Atid.
Nhiều nhà phân tích nhận định bạo lực giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas, giữa người Do Thái và cộng đồng Arab, sẽ tạo ra thêm những thách thức cản bước đảng Raam của ông Abbas tham gia chính phủ liên minh.
Việc ủng hộ một chính phủ mà trong đó có phe cánh hữu Do Thái sẽ là điều khó chấp nhận đối với người ủng hộ đảng Raam. Ngược lại, phe cánh hữu Do Thái chống Netanyahu sẽ không nhượng bộ đảng của người Arab trong bối cảnh xung đột hiện nay.
"Việc có tư tưởng đối lập khiến họ bị trói một tay. Và giờ thì cả hai tay họ đã bị trói sau lưng", giáo sư Hazan bình luận về khả năng các đảng đối lập tìm cách thành lập liên minh để lật đổ Thủ tướng Netanyahu.
Ông Netanyahu hưởng lợi
Trong bối cảnh xung đột vũ trang ngày càng ác liệt, Thủ tướng Netanyahu đang củng cố uy tín trước cử tri và bác bỏ mọi nghi ngờ về quyền lực lung lay của bản thân cũng như đảng Likud cầm quyền.
"Nếu ai đó nghĩ rằng chúng ta không có bộ máy lãnh đạo mạnh mẽ, đoàn kết và quyết đoán bởi cử tri đang cân nhắc lựa chọn, họ đã nhầm. Chúng tôi đang ở đây. Chúng tôi đang làm việc với tất cả khả năng để bảo vệ Israel khỏi kẻ thù bên ngoài và những kẻ nổi loạn từ bên trong", Thủ tướng Netanyahu tuyên bố hôm 12/5.
Khác với các đối thủ như ông Lapid - một cựu phóng viên truyền hình, Thủ tướng Netanyahu đã có nhiều năm kinh nghiệm chính trường và quân sự, đặc biệt trong thời khắc chiến tranh. Ông Netanyahu là người lèo lái Israel qua hai cuộc xung đột quân sự với Palestine năm 2012 và 2014.
Cuộc khủng hoảng hiện nay giúp Thủ tướng Netanyahu vượt lên trước các đối thủ - những người trong thời gian tranh cử từng cam kết không tham gia chính phủ do ông lãnh đạo.
Một trong các đối thủ chính của Thủ tướng Netanyahu là Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz - nhân vật không thể thiếu của bất cứ chính phủ mới nào trong tương lai.
Ông Benny Gantz là thủ lĩnh đảng Blue and White. Theo thỏa thuận đạt được hồi năm ngoái giữa đảng Blue and White và Likud, ông Gantz đáng lẽ sẽ trở thành thủ tướng Israel từ tháng 11/2020.
Thỏa thuận này đổ vỡ do cuộc khủng hoảng ngân sách của Israel, dẫn tới tổng tuyển cử trước thời hạn vào tháng 3 vừa qua, nhưng liên minh cầm quyền giữa hai đảng vẫn tiếp tục tồn tại.
Lúc này, ông Gantz đang bận rộn chỉ huy chiến dịch quân sự ở Dải Gaza, nhiệm vụ khiến ông này phải phối hợp chặt chẽ với đội ngũ của Thủ tướng Netanyahu.
Một số nhà phân tích tin rằng tình trạng khẩn cấp hiện nay có thể giúp Thủ tướng Netanyahu thuyết phục ông Gantz tiếp tục đứng chung chiến tuyến với đảng Likud và ở lại vị trí bộ trưởng Quốc phòng.
Ông Netanyahu là thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel phải hầu tòa vì cáo buộc hình sự, bao gồm lừa đảo và nhận hối lộ. Thủ tướng Netanyahu bác bỏ mọi cáo buộc, tuyên bố ông là nạn nhân của cuộc "săn phù thủy" với động cơ chính trị.
Cáo buộc với Thủ tướng Netanyahu lúc này đã được cơ quan tư pháp Israel tiếp nhận và đang trong quá trình xem xét. Nhưng khả năng ông Netanyahu bị kết tội hoặc ngồi tù trong tương lai lại là một vấn đề phức tạp.
Ngay lúc này, cuộc xung đột giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas đang tạm thời cho Thủ tướng Netanyahu "tấm bùa hộ mệnh".
"Netanyahu đang ở chính xác nơi ông ấy muốn, trong một cuộc khủng hoảng trầm trọng, và không ai muốn thay thế thủ tướng hay bộ trưởng Quốc phòng của đất nước", Mitchell Barak, chuyên gia về chính trị và thăm dò cử tri, nhận xét.