Thủ tướng: Khẩn trương giao vốn dự án giao thông, không phát sinh thủ tục không cần thiết
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương giao vốn, điều chỉnh vốn cho các dự án giao thông trọng điểm, không để phát sinh những thủ tục không cần thiết.
Rà soát kỹ đơn giá bồi thường GPMB
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 7 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.Đánh giá tình hình triển khai các dự án hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến công tác GPMB.
Theo Thủ tướng, đây là công việc rất khó khăn, phức tạp, là điểm nghẽn, nút thắt trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; đặc biệt là phần công việc, diện tích GPMB liên quan đến đất ở, di dời hạ tầng kỹ thuật, mồ mả…
"Các địa phương cần giải quyết dứt điểm công tác GPMB theo đúng các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ, tập trung vào xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân; khuyến khích hình thức tái định cư tại chỗ.
Bên cạnh đó, phải rà soát kỹ lưỡng trình tự, thủ tục xác định chi phí đền bù GPMB, không ban hành đơn giá bồi thường, hệ số điều chỉnh giá đất thiếu cơ sở làm tăng chi phí GPMB bất hợp lý, không phù hợp với khung chính sách đã được phê duyệt", Thủ tướng chỉ đạo.
Công tác đấu thầu, chỉ định thầu, cấp mỏ, cấp nguyên vật liệu cần triển khai công khai minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Đảm bảo tiến độ triển khai các dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì phối hợp cùng Bộ Tài chính khẩn trương triển khai các thủ tục giao vốn, điều chỉnh vốn, phân bổ vốn cho các dự án, không phát sinh các thủ tục hành chính không cần thiết.
Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao khẩn trương thực hiện các thủ tục để di dời các đường điện cao thế bảo đảm tiến độ triển khai các gói thầu, dự án.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hướng dẫn cụ thể các địa phương triển khai thủ tục về cấp mỏ, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa...
"Trước ngày 15/9/2023, Bộ Xây dựng hướng dẫn các chủ đầu tư phương pháp xác định giá vật liệu tại mỏ (trên cơ sở giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, đền bù cây cối, hoa màu…) theo đúng chỉ đạo", Thủ tướng yêu cầu, đồng thời chỉ đạo các nhà thầu tiếp tục tập trung thi công "3 ca 4 kíp" để hoàn thành dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, kỹ thuật, mỹ thuật, không "đội" vốn…
Tập trung xử lý vướng mắc cho cao tốc Bắc - Nam
Dành sự quan tâm lớn đến dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng đề nghị các địa phương phấn đấu hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý 3/2023.
Cùng với các dự án đang triển khai, Thủ tướng Chính phủ ấn định trong quý 3/2023, UBND các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn hoàn thành các thủ tục để phê duyệt dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng.
UBND thành phố Hà Nội hoàn thành hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; hoàn thành thẩm định, phê duyệt dự án thành phần 3 (Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội).
các địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án cao tốc: Nam Định - Thái Bình, Gia Nghĩa - Chơn Thành; TP.HCM - Mộc Bài; Hòa Bình - Mộc Châu.
Trong tháng 9/2023, các địa phương có dự án đi qua thành lập các tổ công tác để làm việc, thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất và hỗ trợ, đẩy nhanh các thủ tục, bảo đảm nhà thầu có thể triển khai được 27 mỏ đã hoàn thành bản đăng ký khai thác.
"Cũng trong tháng 9/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có hướng dẫn cụ thể hơn để các địa phương thực hiện việc nộp tiền vào Quỹ đối với các địa phương không còn diện tích trồng rừng thay thế hoặc diện tích còn lại không đủ để trồng rừng thay thế, bảo đảm rút ngắn thời gian chuyển mục đích sử dụng rừng; Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý dứt điểm việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2", thông báo nêu rõ.
9 điểm sáng trong triển khai dự án
Trước đó, đánh giá kết quả triển khai các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, 9 điểm sáng đã được Thủ tướng Chính phủ đưa ra.
Thứ nhất, tổng tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2023 của các công trình giao thông trọng điểm đã đạt trên 50%, cao hơn trung bình của cả nước.
Thứ hai, các dự án còn tồn đọng về pháp lý cơ bản đã được giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai.
Thứ ba, dự án giai đoạn 2017-2020 đã được kịp thời tháo gỡ về công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, cấp mỏ vật liệu xây dựng… tạo điều kiện để các đơn vị triển khai thi công "3 ca 4 kíp", đẩy nhanh tiến độ.
Thứ tư, các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, chuẩn bị khởi công đã được các bộ, ngành, địa phương phối hợp tích cực, hoàn thành nhiều thủ tục chuẩn bị đầu tư, bố trí, phân bổ và điều chỉnh vốn; trình các cấp có thẩm quyền giải quyết các vấn đề thủ tục pháp lý…; bảo đảm đủ điều kiện chuẩn bị khởi công.
Thứ năm, các dự án đường bộ cao tốc triển khai theo phương thức đối tác công tư được điều chỉnh, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai; nhiều thủ tục được đẩy nhanh, rút ngắn thời gian; thực hiện công khai, minh bạch hơn...
Thứ sáu, các địa phương đã huy động cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt công tác vận động người dân để hoàn thành tốt công tác GPMB cơ bản đáp ứng các tiến độ yêu cầu.
Thứ bảy là sự cố gắng nỗ lực, đánh giá cao của các chủ đầu tư trong khắc phục những bất cập, vướng mắc để thực hiện đạt kết quả khả quan. Trong đó, ACV đã có tiến bộ bước đầu triển khai dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1.
Thứ tám là sự nỗ lực "vượt nắng, thắng mưa" của các nhà thầu, thi công hoàn thành đúng tiến độ.
Thứ chín là sự chủ động triển khai, phối hợp tích cực trong phạm vi được giao giữa các bộ, ngành, địa phương để giải quyết các vấn đề chung, vấn đề khó khăn.