Thủ tướng: Không được để thiếu điện là một mệnh lệnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không được để thiếu điện trong bất kỳ hoàn cảnh nào là một mệnh lệnh.
Sáng nay 25/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Theo báo cáo của Tập đoàn, năm 2019, Tập đoàn đã đảm bảo cung ứng điện cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Tính đến cuối năm nay, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt gần 54.900MW, tăng tên 6.300MW so với năm ngoái. Với mức công suất này, quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN (sau Indonesia) và thứ 23 thế giới.
Năm nay, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN đạt trên 231 tỷ kWh, trong đó, điện thương phẩm đạt trên 209 tỷ kWh, tăng gần 8,9% so với năm ngoái.
Về hiệu quả tài chính, năm 2019, lợi nhuận Công ty mẹ - EVN ước đạt 950 tỷ đồng, đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao; Các Tổng công ty trực thuộc đều có lợi nhuận đạt kế hoạch. Nộp ngân sách toàn Tập đoàn là 27.200 tỷ đồng, tăng gần 2.100 tỷ đồng so với năm ngoái.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ngành điện đã đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân năm nay, đặc biệt có bước cải thiện vượt bậc về chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam. Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 27/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, thứ 4 ASEAN, vượt trước mục tiêu 2 năm so với yêu cầu của Chính phủ. Việc cung cấp dịch vụ cấp điện qua Cổng dịch vụ công quốc gia mà EVN đang triển khai góp phần minh bạch và thuận lợi hơn cho người dùng.
Tuy nhiên, trong các hạn chế nêu ra, Thủ tướng cho rằng, ngành điện vẫn chưa xác định rõ ràng lối ra cho việc phát triển nguồn. Dù việc mua điện cũng là một giải pháp, song theo Thủ tướng, hướng phát triển năng lượng tự cường của một đất nước 100 triệu dân là yêu cầu đặt ra. Nhất là năm 2020 có nhiều sự kiện lớn của đất nước. 100 nghìn cán bộ nhân viên của EVN phải làm việc quyết liệt, đưa ra những giải pháp tốt nhất, để đảm bảo đủ nguồn điện không chỉ năm 2020 mà cả những năm tiếp theo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Tinh thần lớn nhất là đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế quốc dân với chất lượng tốt, không được để thiếu điện là một mệnh lệnh. Vì điện giờ đây không chỉ là phát triển kinh tế xã hội mà là vấn đề an ninh, an toàn xã hội. Dân trí càng cao, nhu cầu càng lớn, yêu cầu phải đáp ứng điều này. Cung ứng điện phát triển kinh tế xã hội, đời sống là mệnh lệnh, yêu cầu đối với ngành điện với tư cách cung cấp điện lớn nhất".
Thủ tướng cũng nêu rõ tình trạng chậm tiến độ của các dự án phát điện. Theo đó, trong quá trình thực hiện Tổng sơ đồ điện 7 của quốc gia đến năm 2030, có 35 dự án với gần 40.000 MW chậm tiến độ, trong đó có 7 dự án do EVN thực hiện. Dù có nhiều đơn vị tham gia sản xuất điện, nhưng Thủ tướng nhấn mạnh, với ngành điện, EVN là nòng cốt và phải chủ động làm gương trong tìm biện pháp tháo gỡ.Đặc biệt trong bối cảnh năm nay tình trạng thời tiết tiêu cực có thể diễn ra, hạn hán có nguy cơ xảy ra ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh các dự án điện, trong đó có 10 dự án mà Chính phủ giao EVN làm chủ đầu tư, như Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2, Dung Quất 1, Dung Quất 3, Ô Môn 3, Ô Môn 4; các dự án thủy điện nhà máy Hòa Bình mở rộng, Yaly mở rộng, Trị An mở rộng...
Cùng với đó, Bộ Công thương, EVN và các đơn vị liên quan phải điều hành tốt giữa than và khí để cung cấp cho nhà máy nhiệt điện với quan điểm là: “nếu thiếu khí phải ưu tiên cho sản xuất điện”. Bộ Công thương phải đôn đốc các dự án BOT theo hướng xã hội hóa mạnh mẽ đầu tư vào nguồn điện; đẩy mạnh giải tỏa hết nguồn điện của các nhà máy điện năng lượng tái tạo.
Với việc thực hiện lộ trình tăng giá điện còn những tồn tại gây phản ứng của người dân, Thủ tướng cho rằng: "Thực hiện lộ trình tăng giá điện vừa qua đã gây phản ứng cho người dân do nhiều nguyên nhân. Nhưng trước hết chính là do truyền thông, thông tin của ngành điện còn chậm đổi mới. Vì sao có giá bậc thang về điện tiêu dùng? Đặc biệt thông tin chưa tính được giá thành đã tính được giá bán, người dân họ thắc mắc điều đó. Do đó, chưa thể đưa vấn đề này ra Quốc hội xin ý kiến. Do đó năm nay phải khắc phục được những vấn đề về giá điện một cách công khai, minh bạch. Giá điện theo lộ trình là đúng, vì chúng ta hội nhập rồi, nhưng cách làm thì cần khắc phục".
Cùng với yêu cầu ngành điện đẩy mạnh cơ cấu, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động, kể cả trong phát và truyền tải điện, Thủ tướng nêu thực tế, giải pháp tiết kiệm điện vừa qua chưa thành công.
"Tiết kiệm điện chưa thành công, chưa có cách làm thích hợp với quần chúng, hộ tiêu thụ điện. Tôi giao Bộ Công thương trình một Chỉ thị của Thủ tướng về sử dụng tiết kiệm điện trong nửa đầu tháng 1/2020, có phát động đến quần chúng thông qua các đoàn thể, cùng chung tay với ngành điện phát động đến người dân, đừng để “đánh trống bỏ dùi”, chỉ hô khẩu hiệu trên diễn đàn còn thực hành chưa được bao nhiêu"- Thủ tướng chỉ đạo.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành điện tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong phát triển điện lực và sử dụng điện thông qua đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nhất là các dự án nhiệt điện./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-khong-duoc-de-thieu-dien-la-mot-menh-lenh-993759.vov