Thủ tướng: Kiên quyết không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt

Xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn từ nay đến hết mùa khô; không để bất kỳ người dân nào thiếu nước sinh hoạt, không để người dân phải dùng nước không bảo đảm vệ sinh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: TTXVN

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc với các địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021, chiều 23/9.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ đến sớm hơn, gay gắt hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, nhưng ít khả năng nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2019-2020.

Theo tính toán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021, có thể xảy ra 2 kịch bản. Theo kịch bản 1, các cửa sông Cửu Long: Ranh mặn 4 g/lít cao nhất từ 55-65 km (tùy cửa sông), cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-20 km, tương đương năm 2016, thấp hơn năm 2019-2020 từ 7-13 km. Tại kịch bản này, tổng diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng khoảng 85.000 ha lúa, 50.000 ha cây ăn trái.

Ở kịch bản 2, tại các cửa sông Cửu Long, ranh mặn 4 g/lít cao nhất từ 65-75 km, cao hơn từ 20-30 km so với trung bình nhiều năm, cao hơn năm 2015-2016 từ 3-5 km, một số thời điểm ngắn hạn ở mức tương đương năm 2019-2020. Tổng diện tích bị ảnh hưởng khoảng 97.000 ha lúa, 82.000 ha cây ăn trái.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, với tình hình nguồn nước như dự báo, dự kiến diện tích sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021 cao nhất tổng cộng 1.600.000 ha, tăng khoảng 54.000 ha so vụ Đông Xuân 2019-2020, thấp hơn so với điều kiện nguồn nước bảo đảm khoảng 30.000-40.000 ha. Những vùng có nguy cơ xâm nhập mặn cao như ven biển các tỉnh: Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang với diện tích khoảng 400.000 ha cần xuống giống sớm để né mặn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2020, hạn mặn ở khu vực ĐBSCL nặng nề hơn so với 2019. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần những biện pháp phù hợp để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở khu vực này.

Thủ tướng chỉ rõ yêu cầu cần nâng cao nhận thức về hạn hán, xâm nhập mặn bởi đây là vấn đề không thể tránh, cần “sống chung”. Đây là nguy cơ những cũng sẽ xuất hiện thời cơ nếu thích nghi và vận dụng tốt cơ hội. Do đó, cần sống, sinh hoạt, thích nghi với môi trường mới, Thủ tướng nói và đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương liên quan cần nâng cao nhận thức về vấn đề này.

Thủ tướng nhấn mạnh, kiên quyết không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt và đề nghị triển khai nhiều biện pháp trữ nước một cách chủ động, có tính đến những biện pháp giải cứu không chỉ cho người dân mà còn cả cho đàn gia súc và hoa màu và cây ăn trái.

Bên cạnh đó là đảm bảo sản xuất trong tình hình mới, duy trì xuất khẩu trái cây và nông thủy sản như lúa, tôm, những mặt hàng chủ lực của ĐBSCL.

Về nhiệm vụ, biện pháp cụ thể, Thủ tướng đề nghị tập trung làm tốt công tác truyền thông đến từng gia đình; thông tin chính xác, đầy đủ đến người dân về nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn là hiện hữu trong mùa khô để người dân chủ động có các biện pháp ứng phó phù hợp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình chuyển đổi sản xuất cây nông nghiệp thích nghi với hạn mặn tại xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: TTXVN

Phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn cũng phải phát huy tinh thần “bốn tại chỗ”, bắt đầu “từ người dân, từ cơ sở là chính” như phòng chống thiên tai nói chung. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, dự báo đủ tin cậy, thông tin kịp thời về nguồn nước hạn hán, xâm nhập mặn cho các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp. Bộ Nông nghiệp và PTNT theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, giám sát, tổ chức dự báo chuyên ngành về xâm nhập mặn để phục vụ cho công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp.

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, nhất là về thời vụ và chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về thời vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nông dân chỉ thực hiện gieo sạ lúa ở những nơi đảm bảo về nguồn nước tưới để tránh thiệt hại…

Về lâu dài, Thủ tướng cho rằng, cần rà soát phương án cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng ĐBSCL, nhất là tại khu vực ven biển và vùng bán đảo Cà Mau để đưa vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đầu tư, huy động các nguồn lực để từng bước triển khai thực hiện.

Ngoài ra, các địa phương tập trung rà soát lại phương án sản xuất nông nghiệp, trong đó cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT đầu tư xây dựng các công trình chủ động kiểm soát mặn, trữ nước ngọt. Các bộ và địa phương cần nghiên cứu để có các chính sách phù hợp hỗ trợ các hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn xây bể trữ nước cho sinh hoạt.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-tuong-kien-quyet-khong-de-ho-dan-nao-thieu-nuoc-sinh-hoat-post98271.html