Thủ tướng lý giải việc Nhà nước điều chỉnh thị trường xăng dầu

Trong xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN, Thủ tướng nhấn mạnh tôn trọng quy luật cạnh tranh, nhưng khi cần thiết phải có sự điều chỉnh của Nhà nước để ổn định thị trường.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với các nhà đầu tư Luxembourg. Ảnh: Đoàn Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với các nhà đầu tư Luxembourg. Ảnh: Đoàn Bắc.

Câu chuyện về điều hành xăng dầu hay ổn định các thị trường ngân hàng, tài chính, chứng khoán được Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn chứng khi nói về định hướng phát triển kinh tế, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Luxembourg chiều 9/12 (giờ địa phương).

Chia sẻ về nền tảng của Việt Nam, Thủ tướng đề cập đến 3 trụ cột chính gồm: Xây dựng nền dân chủ XHCN; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Học kinh nghiệm đi từ nước nông nghiệp thành trung tâm tài chính

Riêng với định hướng phát triển nền kinh tế, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam lưu ý phải tôn trọng quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu. Dù vậy, khi cần thiết vẫn phải có sự điều chỉnh của Nhà nước để ổn định lại thị trường, không tạo cú sốc lớn với người dân. "Tương tự, thị trường tài chính, ngân hàng, chứng khoán cũng vậy”, Thủ tướng dẫn chứng.

Ông cũng nhắc đến 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn lực và hạ tầng, đồng thời nhấn mạnh để thực hiện những đột phá chiến lược này cần có nguồn lực, và cần sự hỗ trợ từ bên ngoài để phát triển thị trường, đặc biệt thị trường nguồn vốn, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Luxembourg. Ảnh: Đoàn Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Luxembourg. Ảnh: Đoàn Bắc.

Theo Thủ tướng, cần huy động hợp tác công tư, lấy nguồn lực Nhà nước kích hoạt mọi nguồn lực xã hội. Từ câu chuyện về nguồn lực, Thủ tướng mong muốn nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của Luxembourg về vấn đề này.

Ấn tượng với Luxembourg khi quốc gia này từ một nước nông nghiệp nay phát triển thành trung tâm tài chính, ngân hàng, có sàn giao dịch huy động vốn của trên 100 quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói đó chính là điều Việt Nam muốn học hỏi, trao đổi.

Chia sẻ Việt Nam luôn mở cửa chào đón các nhà đầu tư, Thủ tướng khẳng định sẽ nỗ lực tạo dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, với nền chính trị cùng các chính sách ổn định, bền vững.

“Nhưng chúng tôi vẫn là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi nên không thể hoàn thiện, và muốn hoàn thiện phải cùng các nước hợp tác theo tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chân thành chia sẻ.

Ông thẳng thắn cho rằng Việt Nam cần hoàn thiện thể chế để hội nhập quốc tế. Việc ký 16 hiệp định thương mại tự do với nhiều thị trường lớn trên toàn cầu là tín hiệu vui cho bước đi này, đánh dấu việc không còn rào cản lớn về thuế quan hay các vấn đề liên quan xuất nhập khẩu.

Việt Nam cần hỗ trợ về vốn, công nghệ cao

Điều Việt Nam cần, theo Thủ tướng, ngoài vốn, còn có công nghệ, đặc biệt công nghệ cao trong những ngành mới nổi như chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, khuyến khích đổi mới sáng tạo…

“Luxembourg chọn rất đúng hướng đi là dựa vào tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển. Vì thế, nơi đây từ một nước nông nghiệp đã tiến thẳng lên thành trung tâm tài chính, ngân hàng với định hướng phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu”, Thủ tướng ghi nhận.

 Lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và đại diện doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Luxembourg tham dự diễn đàn. Ảnh: Đoàn Bắc.

Lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và đại diện doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Luxembourg tham dự diễn đàn. Ảnh: Đoàn Bắc.

Nói về quan hệ hai nước, Thủ tướng cho biết quan hệ ngoại giao tốt đẹp, quan hệ đầu tư tốt với hơn 2 tỷ USD Luxembourg đầu tư vào Việt Nam. Đây cũng là nước lớn thứ ba trong EU đầu tư vào Việt Nam.

Với đà hợp tác này, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tin tưởng thương mại hai nước từng bước phát triển.

“Chúng tôi mong muốn Luxembourg là thị trường cầu nối vào châu Âu, còn chúng tôi sẽ là cầu nối cho Luxembourg vào thị trường ASEAN”, Thủ tướng nhấn mạnh và mong doanh nghiệp hai nước tìm được thị trường của nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho nhau phát triển và cùng nhau giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc nảy sinh.

Bộ trưởng các Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Du lịch Luxembourg Lex Delles cũng cho rằng việc Việt Nam ký kết, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế lớn trên thế giới đã đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp EU đầu tư tại Việt Nam, cũng như tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận thị trường EU.

Ông Lex Delles kể về quá trình đi lên của Luxembourg từ một nước nông nghiệp, sau đó chuyển sang phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp thép.

Ngoài kinh tế, ông Lex Delles cho biết quốc gia này phát triển mạnh mẽ du lịch, tạo hàng nghìn việc làm cho người dân bất chấp tác động của đại dịch.

Nhìn sang Việt Nam, ông đánh giá du lịch cũng rất phát triển và có nhiều tiềm năng, vì thế, ông khẳng định Luxembourg cũng rất muốn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này, đặc biệt là việc cung cấp đào tạo nguồn nhân lực du lịch ở các thành phố lớn của Việt Nam.

Tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các quan chức hai bên đã chứng kiến lễ ký kết và trao các văn bản thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp hai bên.

Lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Luxembourg Trong chuyến thăm chính thức Luxembourg, Thủ tướng Phạm Minh Chính đón nhận tình cảm nồng hậu từ người đồng cấp và bà con kiều bào.

Hoài Thu (từ Luxembourg)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-tuong-ly-giai-viec-nha-nuoc-dieu-chinh-thi-truong-xang-dau-post1383504.html