Thủ tướng Merkel chúc mừng Olaf Scholz về 'thành công của cuộc bầu cử'
Cả thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel và người kế nhiệm Armin Laschet của liên minh CDU/CSU đều chúc mừng Olaf Scholz khi đảng SPD trung tả nổi lên là đảng lớn nhất của Đức tại Hạ viện sau cuộc bầu cử hôm Chủ nhật (26/9).
Tuyên bố từ bà Merkel và ứng viên Laschet thúc đẩy hy vọng trở thành thủ tướng tiếp theo của chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Olaf Scholz khi ông này hy vọng sẽ thành lập một liên minh giúp ông trở thành thủ tướng tiếp theo của Đức, thay thế bà Merkel đã nắm quyền suốt 16 năm.
Khối bảo thủ CDU-CSU của bà Merkel đã ghi nhận kết quả tồi tệ chưa từng có trong cuộc tổng tuyển cử hôm 26/9 với 24,1% phiếu bầu, xếp sau đảng Dân chủ Xã hội trung tả của ông Scholz với 25,7%.
Olaf Scholz vẫy tay trước đám đông. Ảnh: Action Press/REX/Shutterstock
Armin Laschet, người được bà Merkel ủng hộ, khẳng định sẽ cố gắng xây dựng một liên minh mặc dù về thứ hai.
Bà Merkel vốn đứng ngoài 'cuộc chiến' nhưng đã phá vỡ sự im lặng của mình trong một tuyên bố hôm thứ Tư (29/9), chúc mừng ông Scholz 'về thành công trong cuộc bầu cử'.
Trong khi đó, ông Laschet, người bị chỉ trích vì không công khai chúc mừng đối thủ, mà chỉ gửi một lá thư chúc mừng đến Scholz vào ngày 29/9, các nguồn tin bên trong SPD và CDU-CSU nói với AFP.
Người phát ngôn chính phủ Steffen Seibert không bình luận gì thêm về kết quả cuộc bầu cử, và chỉ nói rằng người đương nhiệm sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ của mình cho đến khi người kế nhiệm của bà Merkel thay thế.
Ông nói: “Thủ tướng và các bộ trưởng đang làm công việc của họ cho đến khi một chính phủ liên bang mới tiếp quản. Thủ tướng sẽ tiếp tục tăng cường các mối quan hệ đối ngoại, bao gồm cả các chuyến công du nước ngoài, các cuộc gặp và hội đàm với các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của các quốc gia khác".
Bắt đầu tìm kiếm liên minh
Sau cuộc bầu cử Đức năm 2021, các đảng chính trị tại Đức sẽ bước vào các cuộc đàm phán tìm kiếm liên minh để thành lập chính phủ. Theo hiến pháp, nếu 2 hoặc 3 đảng, hoặc nhiều hơn, liên minh lại với nhau để nắm đa số ghế Hạ viện, họ có thể quyết định được vị trí thủ tướng, dù không thắng trong cuộc tổng bầu cử.
Trong khi đó, đảng thắng trong tổng bầu cử có thể lại “thất bại”, nếu một mình đảng này không nắm được đại đa số ghế trong Hạ viện, đồng thời không liên minh được với đảng nào.
Chính vì vậy, các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu ngay khi có kết quả bầu cử, khi mà số ghế trong Hạ viện mà các đảng giành được đã được xác định. Quốc hội mới được bầu phải tổ chức phiên họp khai mạc chậm nhất là 30 ngày sau cuộc bầu cử, tức ngày 26/10 tới, để bầu ra người sẽ giữ chức thủ tướng mới.
Trong trường hợp hai hoặc ba đảng đồng ý thành lập một liên minh, họ phải bắt đầu các cuộc dàn xếp liên minh chính thức, để phân chia công việc, tức quyết định ai sẽ phụ trách bộ nào trong chính phủ. Rồi sau đó, điều quan trọng nhất là liên minh sẽ đề cử người mà họ muốn làm thủ tướng cho cuộc bỏ phiếu chính thức tại Hạ viện.
“Bất cứ liên minh nào kết thúc với đa số ghế trong Hạ viện sẽ giành được vị trí thủ tướng”, Armin Laschet thuộc liên minh bảo thủ CDU-CSU của Thủ tướng Merkel cho biết vào tuần trước.
Hoàng Anh (theo DW)