Thủ tướng: 'Một người lơ là chống dịch, cả xã hội vất vả!'
Chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tránh hai khuynh hướng: Lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hốt hoảng, sợ sệt, mất bình tĩnh.
Chiều 7-5, phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam về cơ bản kiểm soát được tình hình dịch.
Dịch lan rộng một phần do lơ là, chủ quan
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nói việc để dịch lan rộng ra nhiều tỉnh, thành trong thời gian qua nguyên nhân cơ bản là do sự lơ là, chủ quan, mất cảnh giác của nhiều địa phương. “Mấy ngày nghỉ vừa qua, nhân dân chủ quan, xả hơi, thăm viếng, giao lưu nhiều. Cùng với đó, tình hình dịch diễn biến nhanh, không lường trước được nên xảy ra dịch ở một số địa phương. Nhưng phải khẳng định chúng ta cơ bản đã kiểm soát tình hình, so với các nước xung quanh thì tốt hơn” - ông Phạm Minh Chính nói.
Chính vì thế, ông yêu cầu tránh hai khuynh hướng: Lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hốt hoảng, sợ sệt, mất bình tĩnh. “Trong thời điểm càng khó khăn, các địa phương cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, thông minh, sáng suốt, nắm chắc tình hình và lựa chọn phương án phù hợp” - ông nói.
Cùng với đó cần tăng cường các biện pháp về công nghệ cũng như các giải pháp giám sát, kiểm tra. Đặc biệt là thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K + vaccine”.
Theo Thủ tướng, mỗi tỉnh, huyện, xã, thôn và mỗi cá nhân phải tự lo cho bản thân và cộng đồng. Tỉnh không làm thay huyện, huyện không làm thay xã, xã không làm thay thôn, thôn không làm thay tổ dân phố và tổ dân phố không làm thay từng người. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về sức khỏe của mình và cộng đồng. Phải tăng cường kiểm tra, giám sát từng cấp.
Liên quan đến vấn đề giãn cách xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo phân cấp phải đảm bảo gọn nhất có thể, tránh tối đa tác động đến xã hội, đảm bảo thông quan hàng hóa, nguyên liệu qua địa bàn.
Đối với tỉnh Thái Bình, Thủ tướng đặc biệt lưu ý cần nghiên cứu kỹ việc thực hiện giãn cách xã hội, cần xin thêm ý kiến phó thủ tướng, bộ trưởng nếu cần, tránh áp dụng cực đoan.
“Đang cách ly y tế mà lại đi liên hoan, karaoke... dịch từ đó mà ra”
Người nhập cảnh cách ly xong, đi về nơi làm việc vẫn nằm trong diện theo dõi y tế sau cách ly nhưng gần như buông lỏng hết. Lẽ ra họ đi đâu cũng phải có kế hoạch trước và tuân thủ. Tôi nói luôn kể cả người Việt Nam cách ly xong, về theo dõi y tế cũng buông lỏng. Trong thời gian cách ly y tế mà còn đi liên hoan, karaoke… dịch từ đó mà ra.
Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM
“Ai không làm thì đứng ra một bên”
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhìn nhận thời gian qua nổi lên hai vấn đề: Xuất nhập cảnh trái phép, quản lý cư trú trái phép và khâu tổ chức thực hiện còn yếu.
Về xuất nhập cảnh trái phép, ông đề nghị Bộ Công an rà soát, kiểm điểm, đánh giá, quản lý tình trạng này. Đặc biệt cần phát huy sức mạnh nhân dân trong giám sát.
Còn đối với vấn đề khâu tổ chức thực hiện còn yếu, Thủ tướng chỉ đạo phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ cơ sở, quy trách nhiệm cho cơ sở nếu không làm tốt. Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc chống dịch, bao gồm cả MTTQ, đoàn thể, công an cơ sở, dân quân tự vệ. Từ đó xử lý nghiêm, công khai các trường hợp vi phạm, kể cả với cán bộ, công chức. “Ai không làm thì đứng ra một bên. Cái gì đúng thì động viên, cái gì chưa làm được phải cố gắng khắc phục, truy cứu trách nhiệm” - ông Phạm Minh Chính nói.
“Kinh nghiệm vừa rồi cho thấy dù cố gắng như vậy nhưng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác một tí là trả giá đắt. Một người lơ là, cả xã hội vất vả” - Thủ tướng nói.
Lỗ hổng quản lý người nhập cảnh hợp pháp
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đợt dịch này có hai điểm nguy hiểm hơn so với ba đợt trước. Đó là một số ổ dịch chưa xác định được nguồn lây như tại Đà Nẵng, Hải Dương và Hà Nội. Đặc biệt, đến bây giờ chưa tìm thấy F0 ở BV Bệnh nhiệt đới trung ương, điều này đồng nghĩa là đã có mầm bệnh trong cộng đồng.
Điểm nguy hiểm thứ hai là virus chủng Ấn Độ mạnh hơn, tốc độ lây lan cũng nhanh hơn. Chính vì thế, Phó Thủ tướng yêu cầu tinh thần chung lần này là rất quyết liệt, khởi động lại toàn bộ hệ thống phản ứng nhanh ở các cấp. “Tỉnh nào chưa có dịch thì phải hết sức cảnh giác. Tỉnh nào có dịch thì phải hết sức bình tĩnh xử lý, tránh cực đoan, hoảng loạn” - ông Đam lưu ý.
Phó Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý đến vấn đề quản lý người nhập cảnh hợp pháp với gần 20.000 chuyên gia và lao động kỹ thuật nước ngoài vào. Phần lớn họ cách ly ở khách sạn nhưng kiểm tra cho thấy rất nhiều khách sạn thực hiện không nghiêm, nhân viên không đeo khẩu trang, không có camera giám sát. Ngoài ra, ông Đam cũng cho rằng nhiều tỉnh, thành không có kế hoạch quản lý chặt nhóm chuyên gia nước ngoài nhập cảnh. Đặc biệt, có người được đề xuất nhập cảnh nhưng không nằm trong nhóm thật sự cần thiết.
Chính vì thế, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị toàn bộ những người kết thúc cách ly tập trung cần được bàn giao cho tổ dân phố nơi sinh sống; người lao động bàn giao cho doanh nghiệp, cơ quan trực thuộc. Chính quyền, ngành y, cơ quan, doanh nghiệp cần kiểm tra lại trách nhiệm, không để tình trạng buông lỏng như vừa qua. Tất cả khu cách ly tại khách sạn và trực thuộc quân đội phải lắp camera giám sát.
Đặc biệt, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sẽ thành lập một tổ giám sát trực tiếp qua hình ảnh từ các khu cách ly. Từ đó, khi có vi phạm xảy ra tại khu cách ly, chính quyền địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm.
Thêm 40 ca COVID-19 cộng đồng
Bộ Y tế tối 7-5 ghi nhận 46 ca dương tính với COVID-19, trong đó 40 ca lây nhiễm cộng đồng trong nước, sáu ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Cụ thể, 46 ca mới được ghi nhận từ số 3.092 đến 3.137, trong đó có sáu ca nhập cảnh: Tại TP.HCM (2), Đà Nẵng (2), Quảng Trị (1), Bình Thuận (1).
40 ca ghi nhận trong nước: Tại Hà Nội (24), Hải Dương (1), Điện Biên (1), Hà Nam (1), Nghệ An (1), Hưng Yên (4), Nam Định (1), Đà Nẵng (5), Phú Thọ (1), Vĩnh Phúc (1). HÀ PHƯỢNG
Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/thu-tuong-mot-nguoi-lo-la-chong-dich-ca-xa-hoi-vat-va-983595.html