Thủ tướng: Muốn có trí tuệ Việt Nam phải có dữ liệu của Việt Nam
Tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh: Dữ liệu là tài nguyên, 'muốn có trí tuệ Việt Nam phải có dữ liệu của Việt Nam'. Do đó, mỗi ngành, nghề, địa phương muốn có trí tuệ nhân tạo thì phải có cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương.
Sáng 17/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp
Tại phiên họp, lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ công bố Quyết định số 929 ngày 15/5/2025 thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo là Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình.
Các đại biểu đánh giá, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả, thiết thực công tác chuyển đổi số quốc gia và cải cách hành chính; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số đã được triển khai trên hầu hết các lĩnh vực.
Các ý kiến đề nghị cần xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mang tính tăng tốc, bứt phá thời gian tới; khơi thông những điểm nghẽn còn ách tắc trong tổ chức triển khai thực hiện….
Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Đức Long đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương công bố “bài toán lớn” để giải quyết những vấn đề cụ thể của bộ, ngành, địa phương.
Theo Thứ trưởng, khi có "bài toán lớn", bộ, ngành, địa phương sẽ phối hợp với doanh nghiệp hình thành lời giải cho bài toán lớn, hình thành các dự án để giải quyết. Bởi như hiện nay loay hoay, đi tìm lời giải không được. Do đó, cần công bố "bài toán", địa phương mình cần gì, cần giải quyết gì.
Như vậy, doanh nghiệp sẽ đến tham gia giải quyết và hình thành các dự án tổ chức triển khai. Hiện nay Trung ương dự kiến phân bổ 3% ngân sách cho KHCN, đổi mới sáng tạo, nhưng nếu như tình hình hiện nay thì khả năng không giải ngân được. Trong khi đó, tình trạng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo có chỗ này, chỗ kia không được tốt.

Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06
Đáng chú ý, Bộ Công an tổ chức triển khai quyết liệt Đề án 06 từ Trung ương đến cơ sở, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Tuy vậy, để hoàn thành các mục tiêu của chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06, phía trước còn rất nhiều việc phải làm; nhiều nhiệm vụ đề ra nhưng còn chậm tiến độ.
Để phục vụ phát triển hệ thống liên kết xác thực tra cứu học bạ số và giữa dịch vụ công trên VNeID, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long đề xuất giao Bộ Giáo dục Đào đạo phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế nghiên cứu triển khai hệ thống liên kết, xác thực, tra cứu học bạ số và các dịch vụ giáo dục trên nền tảng VNeID. Việc xây dựng nền tảng dữ liệu học sinh sẽ phục vụ tốt cho công tác tuyển sinh, xây dựng dữ liệu học sinh, qua đó định hình nguồn nhân lực đất nước trong tương lai.
"Chúng ta phải xây dựng được một nền tảng dữ liệu về học sinh. Theo đó phải sửa mấy việc. Ví dụ như năm nay có 1 triệu học sinh vào lớp 1 thì 1 triệu cháu phải được khám sức khỏe để định danh được bao nhiêu cháu bị cận thị, bao nhiêu bị béo phì, bao nhiêu nam-nữ… như vậy đến hết lớp 12 sẽ xác định được bao nhiêu cháu có thể đi nghĩa vụ quân sự. Kèm theo đó, dữ liệu về học vấn sẽ có bao nhiêu cháu học giỏi toán, bao nhiêu cháu học giỏi vật lí, hóa học… Thủ tướng Chính phủ sẽ định hình được nguồn nhân lực của đất nước sau 12 năm nữa; còn nếu không sẽ không định hình được”, Thứ trưởng cho biết.

Các đại biểu dự phiên họp
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ban Chỉ đạo của Chính phủ; đóng góp quan trọng lực lượng Công an nhân dân; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh, dữ liệu là tài nguyên, “muốn có trí tuệ Việt Nam phải có dữ liệu của Việt Nam”. Mỗi ngành, nghề, địa phương muốn có trí tuệ nhân tạo thì phải cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương. Do đó, Thủ tướng để nghị tập trung xây dựng nền tảng dữ liệu ngành giáo dục và y tế.
"Giáo dục đào tạo, xây dựng cơ sở dữ liệu học sinh mẫu giáo cho đến đại học thì sẽ hình dung ra ngay được hiện nay tỷ lệ, tỷ trọng như thế nào? Nam-nữ giới tính làm sao, tuổi tác thế nào, đi học hết chưa hay vẫn còn; vùng sâu, vùng xa, trình độ cơ cấu…là biết được ngay. Hay cơ sở dữ liệu về bệnh tật, hiện nay xem có mấy chục loại bệnh, phổ biến nhất là bệnh gì… trên cơ sở đó mới định hướng cái gì là trọng tâm để đầu tư. Tất cả cái đó là cơ sở dữ liệu và chính là trí tuệ thông minh. Chúng ta làm có bài bản, trọng tâm trọng điểm, bố trí nguồn lực phù hợp”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng, thời gian tới cần quyết tâm lớn và hành động quyết liệt để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong năm 2025, đặc biệt lưu ý cùng với việc tinh gọn bộ máy, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp thì cần tập trung phân cấp, phân quyền triệt để.

Thủ tướng đề nghị nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội; đẩy mạnh rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; bảo đảm nguồn lực cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sớm đăng ký dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí năm 2025, bảo đảm mục tiêu 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số..