Thủ tướng: Nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên 30% vào năm 2020

Ngày 12/2, Hội nghị Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban chỉ đạo Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng xây dựng Chính phủ điện tử là một việc lớn, phải thường xuyên sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đôn đốc, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm và phải huy động cả hệ thống vào cuộc thì mới thành công. Xây dựng Chính phủ điện tử thì yếu tố con người, thể chế là đầu tiên, sau đó mới đến công nghệ.

Thủ tướng đánh giá cao kết quả ban đầu đáng khích lệ trong xây dựng Chính phủ điện tử. Theo Thủ tướng, chúng ta đã rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã tăng gấp đôi (đạt 10,7%). 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia. Lần đầu tiên liên thông thủ tục cấp giấy khai sinh ở cấp xã và thẻ bảo hiểm y tế cấp huyện...

Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam mới đứng thứ 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ về xây dựng Chính phủ điện tử, đứng thứ 6/11 nước ASEAN. Về nguyên nhân, Thủ tướng cho rằng, từ các ý kiến phát biểu, có thể thấy cơ sở dữ liệu cá nhân chưa được bảo vệ, là khâu yếu, thấp điểm. Một số khâu khác còn làm chậm, chưa đồng bộ, quyết tâm, đặc biệt là nhiều nơi còn tình trạng “án binh bất động”.

Về mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các chỉ tiêu tại Nghị quyết số 17/NQ-CP, trong đó đạt chỉ tiêu nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên 30%.

Thủ tướng yêu cầu trước mắt phải xây dựng chiến lược về Chính phủ điện tử giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tập trung hoàn thiện thể chế. Năm 2020 phải ban hành được các nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác thực điện tử, về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, về bảo vệ thông tin cá nhân…

Nhấn mạnh những yếu tố nền tảng của Chính phủ điện tử, Thủ tướng đưa ra những mục tiêu cụ thể: Phấn đấu 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu kết nối với nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia; 100% các bộ, ngành, địa phương có Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng... 100% cơ sở dữ liệu quốc gia cơ bản hoàn thành.

Để bảo đảm nguồn tài chính cho Chính phủ điện tử, Thủ tướng giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất việc chuyển một phần Quỹ viễn thông công ích cho các dự án nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quý I/2020. Các hệ thống nền tảng dùng chung vượt ra ngoài chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành thì sẽ do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì quản lý.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh xây dựng Chính phủ điện tử phải đi liền với đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Chính phủ điện tử phải đi liền với cải cách hành chính, phải giúp giảm biên chế, tiết kiệm chi phí.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP

Đối với các kiến nghị cụ thể được nêu ra tại Hội nghị, Thủ tướng đồng ý việc Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chỉ đạo thêm nội dung về thành phố thông minh, chuyển đổi số, kinh tế số; không thành lập thêm các ban chỉ đạo mới. Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất xây dựng Trung tâm giám sát quốc gia về Chính phủ điện tử, thực hiện giám sát quốc gia về hạ tầng mạng, an toàn, an ninh mạng và về dịch vụ Chính phủ điện tử của các cơ quan Nhà nước.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ đưa nội dung đào tạo Chính phủ điện tử vào các chương trình đào tạo tại Học viện Hành chính Quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương hàng năm dành một tỷ lệ ngân sách của Chính phủ điện tử cho công tác đào tạo.

Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tích cực tham gia xây dựng Chính phủ điện tử. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cần xây dựng nền tảng để mọi người dân đều có thể thông qua duy nhất một ứng dụng trên thiết bị di động truy cập được mọi dịch vụ Chính phủ điện tử.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-tuong-nang-ty-le-dich-vu-cong-truc-tuyen-muc-do-4-len-30-vao-nam-2020-post73598.html