Thủ tướng nêu đích danh 9 tỉnh thành chậm giải phóng mặt bằng dự án
Trong triển khai các dự án giao thông trọng điểm, Thủ tướng cho biết công tác giải phóng mặt bằng còn lại của một số dự án còn chậm, nhất là tại các địa phương: Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hưng Yên, Kiên Giang.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 271/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại phiên họp lần thứ 12 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Chỉ bàn làm, không bàn lùi
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, bên cạnh những thành tích đạt được, còn một số khó khăn, vướng mắc lớn, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.
Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) còn lại của một số dự án còn chậm, nhất là tại các địa phương: Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hưng Yên, Kiên Giang. Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật một số dự án còn chậm tiến độ, chưa đáp ứng yêu cầu.
Về vật liệu xây dựng, các địa phương có mỏ cần chủ động nghiên cứu, rà soát các thủ tục pháp lý liên quan (cấp phép khai thác các mỏ thương mại, đăng ký, bổ sung các mỏ khai thác theo cơ chế đặc thù) để đẩy nhanh thủ tục khai thác, đáp ứng tiến độ thi công.
Các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản các dự án chủ động trong việc tìm kiếm, xác định nguồn vật liệu cho các dự án, phối hợp với các cơ quan, ban ngành của địa phương có mỏ vật liệu để hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ đảm bảo nguồn vật liệu đắp, đáp ứng tiến độ các dự án.
"Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực TPHCM giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức hội nghị tại tỉnh Bến Tre để giải quyết dứt điểm nguồn vật liệu cho các dự án trước ngày 25/6, chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng và xác định nguyên nhân lúa chết tại khu vực thi công đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau", Văn bản thông báo nêu.
Thông báo cũng nêu, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo hơn nữa trong việc giải quyết khó khăn vướng mắc về GPMB, VLXD,hỗ trợ các chủ đầu tư, nhà thầu trong triển khai các dự án. Các bộ, ngành chủ động xử lý theo thẩm quyền và chức năng nhiệm vụ được giao, vượt thẩm quyền mới báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tránh đùn đẩy, né tránh.
Thủ tướng yêu cầu, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được, đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ với tinh thần tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó. Trong mọi trường hợp khó khăn, vướng mắc, trở ngại, chủ đầu tư, các nhà thầu, các lực lượng tham gia dự án cần đồng tâm hiệp lực "chỉ bàn làm không bàn lùi", "không có nói không, không có nói khó, không nói khó mà không làm".
Cần phát huy các kinh nghiệm quý báu về huy động nguồn lực, về tổ chức thi công xây dựng hơn 1.000 km trong giai đoạn trước đây để tổ chức thi công hoàn thành các dự án; đẩy nhanh tiến độ triển khai nhất là các đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, Hòa Liên - Túy Loan, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, Tuyên Quang - Hà Giang để bảo đảm hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025.
Các Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công nêu cao tinh thần trách nhiệm, thi công "3 ca 4 kíp", bảo đảm chất lượng, kỹ - mỹ thuật, vệ sinh môi trường, an toàn lao động, tạo cảnh quan không gian phát triển của dự án sau khi hoàn thành; phối hợp với địa phương để tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến vật liệu xây dựng, GPMB. Các cơ quan đơn vị tăng cường công tác thanh kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chống thông thầu, mua bán thầu,...
Thi đua 500 ngày nỗ lực
Đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng chương trình thi đua 500 ngày nỗ lực cố gắng hoàn thành các dự án đường bộ cao tốc chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIV.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với Bộ KHĐT thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Dầu Giây - Tân Phú, phê duyệt trong tháng 6/2024; chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan hướng dẫn, làm việc, theo dõi, đôn đốc các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Sơn La, Thái Bình, Ninh Bình, Lâm Đồng, Bình Dương, Hòa Bình, Ninh Bình, Tiền Giang khẩn trương triển khai các thủ tục theo quy định để bảo đảm khởi công các dự án theo tiến độ được giao.
Bộ KH&ĐT tập trung hướng dẫn, thúc đẩy thẩm định các dự án đầu tư theo phương thức PPP; thực hiện việc lấy ý kiến theo quy chế làm việc của Chính phủ, không chờ đợi kéo dài, các đơn vị quá hạn không có ý kiến được xem là đồng ý và phải chịu trách nhiệm với các nội dung đã được thông qua. Khẩn trương tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức PPP; dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hòa Lạc - Hòa Bình; có ý kiến theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án TPHCM - Mộc Bài trong tháng 6 năm nay.
Các tỉnh Sơn La, Thái Bình, Ninh Bình, Lâm Đồng, Bình Dương đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án Hòa Bình - Mộc Châu, Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn đầu tư công qua Ninh Bình và đoạn Nam Định -Thái Bình theo phương thức PPP), Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; phấn đấu khởi công trong năm 2024 (riêng dự án Cao Lãnh - An Hữu đoạn qua tỉnh Tiền Giang khởi công vào tháng 7 năm 2024); gửi kế hoạch triển khai chi tiết về Bộ GTVT để tổng hợp, theo dõi, đôn đốc;
TP. Hà Nội, tỉnh Hòa Bình đẩy nhanh các thủ tục đầu tư để sớm khởi công các dự án Hòa Bình - Mộc Châu, Dự án thành phần 3 Vành đai 4 Hà Nội. TPHCM và Hà Nội căn cứ trên kết quả làm việc với Bộ Tài chính để chủ động triển khai các công việc, nhằm sớm hoàn thành các thủ tục giải ngân vốn ODA cho các dự án đường sắt đô thị...
Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 54 ngày 28/5/2024, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia nhất là các địa phương: Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hưng Yên, Kiên Giang. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hòa khẩn trương hoàn thành bàn giao toàn bộ diện tích mặt bằng còn lại của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, trước ngày 30/6/2024.
Về vật liệu xây dựng: Tỉnh Vĩnh Long chủ trì cùng với chủ đầu tư, nhà thầu tiếp tục vận động người dân, có các biện pháp quyết liệt để giải quyết dứt điểm tình trạng cản trở việc khai thác đối với 2 mỏ cát trên địa bàn tỉnh trước ngày 26/6. Tỉnh Sóc Trăng khẩn trương hoàn thành thủ tục cấp Bản xác nhận khai thác cát biển và cát sông để các nhà thầu có thể khai thác trong tháng 6/2024. Tỉnh Đồng Tháp, An Giang khẩn trương phê duyệt nâng công suất khai thác mỏ đối với các trường hợp đã đủ điều kiện, thủ tục.