Thủ tướng nêu nhiều trăn trở về sự phát triển của doanh nghiệp Nhà nước
Thủ tướng cho biết Chính phủ đã trăn trở nhiều năm, đã có nhiều chủ trương, quyết sách lớn về phát triển của doanh nghiệp Nhà nước.
Những trăn trở của Chính phủ
Sáng 18/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước về giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước góp phần thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
“
Năm 2018, Chính phủ đã thành lập Ủy ban và giao thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty (trước đây thuộc 5 bộ) để hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội là tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn của Nhà nước với chức năng quản lý Nhà nước với đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Sau gần 5 năm thành lập Ủy ban, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận, đồng ý chủ trương tiếp tục thực hiện mô hình Ủy ban là cơ quan trực thuộc Chính phủ, làm đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Đồng thời, yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiếp tục hoàn thiện mô hình, đổi mới hoạt động của Ủy ban để đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là hoạch định chiến lược phát triển để hệ thống doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
”
Kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ đã trăn trở nhiều năm và đã có nhiều chủ trương, quyết sách lớn về phát triển của doanh nghiệp Nhà nước.
Ông chỉ ra một số hạn chế như đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty chưa thực sự tương xứng, ngang tầm với nguồn lực nắm giữ và dư địa phát triển còn rất lớn.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, 19 tập đoàn, tổng công ty hầu như không có dự án, công trình khởi công mới. Thời gian qua, các cơ quan đã tích cực giải quyết các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ.
Hiện nay, đã có nhiều dự án, doanh nghiệp yếu kém được báo cáo Bộ Chính trị, tìm được hướng xử lý và đang tiếp tục tìm hướng xử lý với các dự án, doanh nghiệp khác…
Theo Thủ tướng, có 3 nguyên nhân chủ quan lớn dẫn đến vấn đề này. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là về pháp lý.
Tiếp đó là sự phối hợp giữa các bộ, ngành để xử lý các khó khăn, vướng mắc nói chung là chưa thật sự chặt chẽ, có hiệu quả.
Cuối cùng là cần sự nỗ lực, cố gắng, chủ động hơn nữa của Ủy ban và các doanh nghiệp.
Thủ tướng cho rằng: "Ủy ban là mô hình mới, cần tiếp tục được nghiên cứu để hoàn thiện hơn".
Đề nghị hoàn thiện mô hình Ủy ban, đẩy mạnh dự án đầu tư lớn, trọng điểm
Nói đến việc triển khai nhiệm vụ năm 2023, Thủ tướng nhấn mạnh: "Sẽ có khó khăn, thách thức đan xen cơ hội và thuận lợi, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn".
Trong bối cảnh này, Thủ tướng đề nghị 19 tập đoàn, tổng công ty nâng cao nhận thức và trách nhiệm chính trị với tài sản, nguồn vốn của Nhà nước.
Đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư lớn, trọng điểm, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, và các chính sách khác.
Điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỉ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.
Trong bối cảnh thị trường thu hẹp, các doanh nghiệp phải phát huy nguồn lực, truyền thống, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), đa dạng hóa thị trường, sản phẩm chuỗi cung ứng.
Đổi mới mô hình quản lý, nâng cao năng lực quản trị hiện đại; Tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, thực chất; Hoàn thiện các chương trình, kế hoạch, chủ trương lớn trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ủy ban tập trung triển khai Kết luận của Bộ Chính trị để hoàn thiện mô hình Ủy ban tốt nhất có thể, tách bạch quản lý Nhà nước với sản xuất, kinh doanh, quản lý vốn hiệu quả, giảm bớt can thiệp trực tiếp của cơ quan đại diện chủ sở hữu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh cần tích cực, chủ động xử lý dứt điểm việc cơ cấu lại đối với 8/12 dự án, doanh nghiệp đã được Bộ Chính trị cho chủ trương xử lý và Chính phủ đã có kế hoạch; Khẩn trương xây dựng, trình phương án xử lý đối với 4/12 dự án, doanh nghiệp còn lại để trình Bộ Chính trị.
Đồng thời, nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ, bảo đảm công khai, minh bạch để tìm được người tài.
Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định của pháp luật, thẩm quyền của cơ quan quản lý Nhà nước đối với các dự án đầu tư, cơ cấu lại, thoái vốn, sắp xếp lại nhà, đất... của doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp
Phó Thủ tướng đặt mục tiêu có thể báo cáo Thường vụ Quốc hội, phấn đấu trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5 và thông qua vào kỳ họp thứ 6 cuối năm 2023.