Thủ tướng: Nghiên cứu Đề án cơ chế đặc thù cho Vùng kinh tế trọng điểm

Tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thủ tướng giao các cơ quan nghiên cứu Đề án cơ chế đặc thù cho các Vùng kinh tế trọng điểm, bao gồm cả vấn đề ngân sách.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Ngày 30/5, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - một trong bốn Vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là “vùng trọng điểm” của bốn Vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, do đó, tầm nhìn Việt Nam hùng cường 2045 sẽ đặt mục tiêu về đích sớm hơn và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải là “Vùng hùng cường vào năm 2035”.

Cho ý kiến về các kiến nghị, giải pháp được nêu ra tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị giao các cơ quan nghiên cứu Đề án cơ chế đặc thù cho Vùng kinh tế trọng điểm; trong đó, đặc biệt có Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm cả vấn đề ngân sách.

Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu một gói hỗ trợ từ Trung ương để hỗ trợ cho các địa phương sớm đầu tư các công trình hạ tầng, giao thông cấp bách - yếu tố quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế xã hội của Vùng.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức tín dụng tham gia vào các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án theo hình thức PPP.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo cần tránh để xảy ra tình trạng như phía Việt Nam chỉ làm gia công, giá trị thấp; tiếp nhận các dự án môi trường thấp hoặc chỉ làm những việc lao động giá rẻ. Thủ tướng nêu rõ cần coi trọng đầu tư nước ngoài nhưng cũng cần tránh tình trạng thôn tính doanh nghiệp Việt Nam thông qua mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong nước.

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu đề xuất thành lập dự án kết nối các loại hình giao thông giữa các Khu công nghiệp, Khu kinh tế trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các địa phương trong Vùng cần ưu tiên phát triển kinh tế số, thương mại điện tử và đẩy mạnh mạng lưới 5G bởi đây là những yêu cầu quan trọng cho phát triển công nghệ cao của Vùng. Đi liền với đó là làm tốt công tác quy hoạch đô thị theo xu hướng mới, nhất là đô thị thông minh.

Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 7 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang. Đây hiện là trung tâm thu hút nguồn vốn FDI lớn nhất cả nước với hàng loạt dự án FDI còn hiệu lực; số lượng lớn khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động... Đây cũng là một trong những vùng kinh tế tạo động lực phát triển quan trọng hàng đầu của cả nước, đóng vai trò một cửa ngõ kinh tế, cầu nối giao thương của Việt Nam với thế giới.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-tuong-nghien-cuu-de-an-co-che-dac-thu-cho-vung-kinh-te-trong-diem-post81055.html