Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Khó khăn gấp đôi, phải cố gắng gấp ba

Chiều 5-5, phát biểu kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần: Đất nước đang đứng trước khó khăn rất lớn do tác động của dịch bệnh, nhưng khó khăn gấp đôi thì phải cố gắng gấp ba; phải chung sức, bền lòng, quyết liệt trên mặt trận sản xuất kinh doanh và cảnh giác với dịch bệnh.

Việt Nam vẫn duy trì nền tảng khá tốt

Tại phiên họp, các ý kiến phát biểu đều thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 thể hiện rõ nét ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 lên hầu hết các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là các ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo, các ngành xây dựng, dịch vụ, vận tải, hàng không, du lịch… Ngành hàng không đã giảm đến 98%, du lịch quốc tế đã giảm 94,2%. Doanh nghiệp nước ta gặp rất nhiều khó khăn, một bộ phận không ít người lao động không có thu nhập, nghỉ việc.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng, Việt Nam vẫn duy trì được nền tảng khá tốt. Kinh tế tăng trưởng quý 1 đạt 3,82%, dù thấp hơn cùng kỳ năm trước rất nhiều, nhưng cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Kinh tế vĩ mô vẫn được giữ ổn định. Chính phủ đã chủ động kiểm soát lạm phát; ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ; giảm lãi suất; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là về thương mại, đầu tư, lương thực và năng lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội sau dịch. Sự chủ động và chất lượng chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành được nâng lên. Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ trong chất lượng chỉ đạo, điều hành, mức độ năng động, sáng tạo, sự minh bạch ở địa phương.

 Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QUANG HIẾU.

Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QUANG HIẾU.

Trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp, với sự tham mưu kịp thời của các ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số nghị định, chỉ thị, nghị quyết đúng đắn, kịp thời và đã đi vào cuộc sống.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Chính phủ thống nhất cao cần ban hành ngay nghị quyết chuyên đề về các nhiệm vụ giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phục vụ sự phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. “Một nghị quyết phải mang tinh thần tháo gỡ khó khăn, một nghị quyết thể hiện các cấp, các ngành phải tập trung giải ngân vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng, kể cả vốn ODA. Đây là nguồn lực rất lớn để phát triển cơ sở vật chất ở nước ta, mà còn là một mục để đóng góp tăng trưởng cần thiết trong bối cảnh hiện nay”, Thủ tướng nói.

Khẩn trương chuẩn bị điều kiện thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế

Về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng cho rằng, với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, công tác phòng, chống dịch đã được chỉ đạo kịp thời, có chính sách đúng, triển khai đồng bộ, quyết liệt, mang lại kết quả tốt, dịch bệnh được kiểm soát, đẩy lùi, không lây lan ra cộng đồng, chi phí thấp, không có người tử vong.

Chính phủ đã có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, kịp thời, hợp lòng dân. Đặc biệt, lần đầu tiên, Đảng và Nhà nước ta trực tiếp hỗ trợ cho 20 triệu người khó khăn trong các tầng lớp nhân dân. Về vấn đề này, Thủ tướng lưu ý, phải đưa tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng, kịp thời gian.

Thủ tướng chỉ đạo, cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép trong tình hình mới, đặc biệt là phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện nới lỏng để phát triển sản xuất kinh doanh, phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội, nhất là các vùng trọng điểm, các đô thị lớn, những điểm tham quan nổi tiếng để phát triển mạnh du lịch nội địa. Thủ tướng giao chính quyền các địa phương tùy theo tình hình trên địa bàn, thực hiện các biện pháp, đối sách phù hợp.

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN

“Một tinh thần quyết tâm vượt khó khăn, thách thức trên mặt trận kinh tế-xã hội, coi đó là trọng tâm để tập trung phục hồi ngay các hoạt động sản xuất kinh doanh, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết thúc đẩy nền kinh tế bật dậy, phát triển mạnh sau dịch”, Thủ tướng nói.

Vì vậy, Thủ tướng lưu ý các bộ trưởng, tư lệnh các ngành, lãnh đạo các địa phương nhiệm vụ cấp bách hiện nay là tập trung tháo gỡ, xử lý các vướng mắc cụ thể, có những biện pháp hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Từng lãnh đạo cần sâu sát hơn, giải quyết kịp thời hơn những bức xúc của người dân, doanh nghiệp, nêu cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết không để các cơ quan hành chính, thủ tục hành chính, cán bộ, công chức cản trở sự phát triển. Tất cả các cơ quan phải thực hiện nghiêm tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng đề nghị các phó thủ tướng, các bộ trưởng, các chủ tịch UBND các tỉnh “phải xắn tay áo lên, vào cuộc tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ phát triển ở ngành, địa phương mình trong phạm vi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao”. Lãnh đạo phải đi trước một bước, phải trăn trở, suy nghĩ, lo lắng cho việc khó khăn của đất nước; động viên, giải quyết, xử lý những khó khăn, vướng mắc, khích lệ kịp thời đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó cần chú trọng công tác phân tích, dự báo và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách ở các bộ, các ngành, các địa phương.

“Trong lúc khó khăn này, tôi đề nghị các thành viên Chính phủ thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức cách mạng của người lãnh đạo, tập trung phối hợp chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả, tăng cường kỷ luật, kỷ cương”, Thủ tướng nói.

Phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP trên 5%

Nhân dịp này, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phải chú ý các biện pháp phòng dịch.

Nới lỏng khoảng cách xã hội, khôi phục các hoạt động kinh tế để phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2020 đạt mức trên 5%; kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn như vậy, cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất là các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng nêu rõ, thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa trong nhân dân là 5 mũi đột phá để tăng trưởng, phát triển, vượt qua khó khăn trong giai đoạn này. Trong đó, lấy vai trò của người dân và doanh nghiệp là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển.

Về vấn đề điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, Thủ tướng nhắc lại tình hình thế giới, các đối tác lớn của Việt Nam đều gặp nhiều khó khăn và tăng trưởng âm. Do tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, cần xem xét các chỉ tiêu như GDP, ngân sách Nhà nước, bội chi và nợ công.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-kho-khan-gap-doi-phai-co-gang-gap-ba-617077