Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không chủ quan với dịch Covid-19, hạn chế làm thủy điện nhỏ
Tại phiên thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội sáng 2-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, mặc dù chịu tác động của dịch Covid -19, năm nay Việt Nam là quốc gia duy nhất trong ASEAN có tăng trưởng dương. Thời gian tới, Chính phủ tập trung kiểm soát dịch bệnh, khôi phục kinh tế; đồng thời có chính sách hỗ trợ đồng bào vùng lũ.
Tại phiên thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội sáng 2-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, mặc dù chịu tác động của dịch Covid -19, năm nay Việt Nam là quốc gia duy nhất trong ASEAN có tăng trưởng dương. Thời gian tới, Chính phủ tập trung kiểm soát dịch bệnh, khôi phục kinh tế; đồng thời có chính sách hỗ trợ đồng bào vùng lũ.
Sáng 2-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn…
Tại phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2020; đặc biệt là việc ứng phó với đại dịch Covid-19 và giải pháp hỗ trợ các tỉnh miền trung sau đợt mưa lũ lịch sử.
Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN tăng trưởng dương
Theo Thủ tướng, năm 2020, dịch Covid-19 làm thế giới điêu đứng, những ngày gần đây nhiều nước vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội. Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng nên chịu tác động lớn của dịch bệnh.
Ứng phó với dịch Covid-19, Việt Nam đã có những chỉ đạo phù hợp với từng giai đoạn. Giai đoạn 1, khi dịch bệnh bùng phát từ Vũ Hán (Trung Quốc), Việt Nam đã thực hiện quyết liệt giãn cách xã hội, “chống dịch như chống giặc” và đây là biện pháp cần thiết, nếu chậm trễ sẽ rất nguy hại. Giai đoạn 2, sau hơn 90 ngày không có dịch, Việt Nam tái bùng phát dịch tại Đà Nẵng. Trong giai đoạn 2, phương thức chỉ đạo có khác, chúng ta thần tốc khoanh vùng các ổ dịch, cách ly tập trung… nhưng không thực hiện giãn cách toàn quốc. Chúng ta ưu tiên chống dịch song song với phục hồi, và phát triển kinh tế xã hội.
“Nếu chúng ta làm như đợt 1 thì kinh tế năm nay có thể tăng trưởng âm”, Thủ tướng nhận xét.
Thủ tướng cho rằng, hàng loạt quốc gia tái bùng phát dịch nhiều lần nên Việt Nam không thể chủ quan với Covid-19, nếu chủ quan sẽ mắc sai lầm. Việt Nam quyết định chưa thể đón khách du lịch quốc tế vì dịch bệnh phức tạp, không thể kiểm soát. Nếu tình hình bình thường như các năm, Việt Nam đón 21 triệu khách quốc tế, thu hơn 60 tỷ USD. Chúng ta chấp nhận thiệt hại để bảo vệ sức khỏe nhân dân, kiểm soát dịch bệnh. Sắp tới, năm 2021, vẫn tiếp tục kiểm soát tình hình mạnh mẽ hơn, không thể chủ quan, lơ là.
Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và những cách làm sáng tạo, Việt Nam là một trong hai nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng dương. Trong ASEAN Việt Nam là nước duy nhất tăng trưởng dương. Năm 2019, quy mô kinh tế Việt Nam đã vượt Malaysia và năm 2020 vượt Singapore. Nếu có quyết tâm, khát vọng chúng ta có thể vượt Thái Lan trong tương lai. Đầu nhiệm kỳ, Việt Nam có 20 tỷ USD dự trữ nhưng cuối nhiệm kỳ có hơn 90 tỷ USD. Đầu tư xã hội chiếm 34% GDP. 60 nhà máy chế biến lớn đã được xây dựng trong 5 năm qua, khắc phục cơ bản tình trạng “được mùa rớt giá”.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là năm nay hụt thu ngân sách gần 200.000 tỷ đồng, chủ yếu do tác động của dịch bệnh, đặc biệt là những địa phương có tỷ trọng du lịch, dịch vụ lớn như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam…. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, người dân mất việc làm.
“Những công trình thủy điện nhỏ nên rất hạn chế”
Trong tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp làm việc với nhiều tỉnh miền trung – những nơi trọng điểm chịu thiệt hại của mưa lũ.
Theo Thủ tướng, chưa bao giờ thiên tại dồn dập như vậy, mưa lũ lịch sử gây thiệt hại lớn về người, tài sản, làm giảm GDP… Chính phủ sẽ có chương trình báo cáo Quốc hội các biện pháp khắc phục hậu quả lũ lụt ở miền trung, có chính sách hỗ trợ nhà ở, khôi phục sản xuất.
“Vì sao vừa qua sạt lở đất nhiều như thế? Kết cấu địa chất ở khu vực này đất sét là chính mà mưa hơn 1.000mm nửa tháng thì nhão, mưa thối đất thì không có kết cấu nào chịu được. Chúng ta cần đánh giá toàn diện để có biện pháp hạn chế tối đa tác động của con người. Đó là tăng trưởng xanh, cũng như tôi nói rất nhiều lần là Tây Nguyên không thể thành sa mạc mà Tây Nguyên phải là rừng xanh bạt ngàn”, Thủ tướng phân tích.
Chung quanh các ý kiến về các công trình thủy điện, Thủ tướng cho biết, phải xem xét vấn đề thủy điện nhỏ, hạn chế việc phá rừng. Những công trình nào lấy đất rừng thì phải trình Quốc hội, phải chứng minh rằng, công trình đó lấy ít đất rừng nhưng có tác dụng rất lớn để giải quyết đời sống khu vực đó.
“Những công trình thủy điện nhỏ, tôi đồng ý với các đồng chí là nên rất hạn chế”, Thủ tướng nhấn mạnh.