Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không tăng lượng giảm chất trong tăng trưởng kinh tế
'2019 là năm đáng nhớ, năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu kinh tế- xã hội Quốc hội giao. Mỗi kết quả đạt được là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến từng người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức... ở mọi vị trí...', Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, diễn ra sáng nay (30/12), với sự tham dự của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cùng nhiều Ủy viên Bộ Chính trị, lãnh đạo các ban của Đảng, các bộ, ngành…
Tăng cả lượng và chất
“Với ý chí, nỗ lực, quyết tâm lớn, chúng ta đạt được nhiều thành quả trong năm 2019. Nếu như năm 2016, GDP tăng 6,21%, thì năm 2019 tăng trưởng lên đến 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt hơn 672 tỷ USD. Điều này cho thấy quy mô nền kinh tế càng lớn, thì đạt trên 1 điểm % tăng trưởng là càng khó khăn, nhưng không phải là không thể đạt được…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận.
Tăng trưởng kinh tế cao, nhưng có hay không phải đánh đổi giảm chất tăng trưởng để đạt tăng trưởng cao về lượng?
Tuy nhìn nhận các mô hình tăng trưởng trước đây cho thấy để đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh, thì chất lượng tăng trưởng thường bị giảm sút, nhưng người đứng đầu Chính phủ khẳng định, trong năm 2019, chất lượng tăng trưởng cải thiện rất rõ nét. Điều này thể hiện qua đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 46,11% và giai đoạn 2016-2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so bình quân 33,58 giai đoạn 2011-2015.
Tốc độ năng suất lao động tăng 6,2% trong năm nay, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vưc. Tăng trưởng tín dụng năm 2019 ước chỉ khoảng 12-13%, trong khi nhiều năm trước thường tăng trên 16-20%. Chỉ số phát triển bền vững 2019 của Việt Nam tăng 3 bậc trong khu vực Asean…
Chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế cải thiện, theo Tổng cục Thống kê còn thể hiện qua Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) giảm từ 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017; 5,97 năm 2018 và năm 2019 ước đạt 6,07. Bình quân giai đoạn 2016-2019, hệ số ICOR đạt 6,14, thấp hơn so với 6,25 của giai đoạn 2011-2015.
Không hy sinh ổn định vĩ mô cho tăng trưởng nhanh
Trước thực tế nhiều năm qua tăng trưởng kinh tế nhanh, không ít ý kiến cho rằng trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp đã phải hy sinh ít nhiều mục tiêu ổn định vĩ mô.
Phát biểu tại Hội nghị sáng nay, Thủ tướng nhìn nhận tuy chúng ta đã từng phải chấp nhận giảm tăng trưởng để ổn định vĩ mô, nhưng năm 2019, nền kinh tế Việt Nam không chỉ đạt được tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới, mà còn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức 2,79%...
“Năm 2019, mặt bằng lãi suất và tỷ giá luôn duy trì ổn định trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động, thu ngân sách vượt trên 8% dự toán Quốc hội giao, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục, gần 10 tỷ USD, dự trữ ngoại hối gần 80 tỷ USD… Những con số này 10 năm trước chúng ta không thể hình dung được…”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước một số ý kiến cho rằng, các nước đang phát triển ở thời điểm tiền giai đoạn công nghiệp hóa, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh thường phải chấp nhận suy giảm yếu tố môi trường và xã hội. Tuy nhiên, Người đứng đầu Chính phủ tái khẳng định, Chính phủ luôn nhất quán thông điệp không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng. Xác định công thức 3 trong 1: kinh tế- xã hội, môi trường…trong phát triển kinh tế, xã hội.
Năm 2020 Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,8-7%. Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng gợi mở các bộ, ngành, địa phương cần đặt ra các mục tiêu cao, tháo gỡ các rào cả về môi trường kinh doanh; sửa đổi chính sách về phá sản, khởi nghiệp kinh doanh…
“Vướng mắc pháp luật phải được làm rõ cụ thể ở điều, khoản nào, chứ không nói chung chung… Cần khơi thông các đột phá chiến lược, dám nghĩ, dám làm, dánh chịu trách nhiệm, chấm dứt chi phí không chính thưc…”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ có nội dung phát biểu quan trọng, từ đó gợi mở, định hướng cho Chính phủ những đường hướng chiến lược, để tiếp tục đạt những thành quả tích cực trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế, xã hội năm 2020.