Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm vườn cây ăn trái và gặp gỡ nông dân Tiền Giang
Ngày 23-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã có buổi đi thực tế tại vườn cây ăn trái và gặp gỡ nông dân tại xã Hiệp Đức (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).
Ngày 23-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã có buổi đi thực tế tại vườn cây ăn trái và gặp gỡ nông dân tại xã Hiệp Đức (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã đến thăm vườn sầu riêng 0,4 ha của gia đình ông Võ Văn Phúc (ấp Hiệp Thạnh, xã Hiệp Đức). Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, đại diện gia đình cho biết: Vườn sầu riêng của gia đình được 11 năm tuổi. Mỗi năm, thu nhập từ vườn sầu riêng từ 300 đến 500 triệu đồng. Trong đợt hạn, mặn lịch sử vừa qua, vườn sầu riêng an toàn và đang phát triển tốt. Hiện, gia đình ông đã xử lý ra hoa nghịch vụ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao và yêu cầu cần phải học cách để nhân rộng trong việc ứng phó với hạn, mặn.
Tỉnh Tiền Giang có khoảng 14.000 ha sầu riêng và được trồng tập trung tại huyện Cai Lậy, TX Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành. Trong đợt hạn, mặn vừa qua, diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh này bị ảnh hưởng hơn 3.000 ha. Hiện nay, một số vườn bị ảnh hưởng nặng đã chuyển sang trồng loại cây khác hoặc trồng lại sầu riêng; diện tích bị ảnh hưởng nhẹ cũng đang trong quá trình phục hồi.
Tại buổi gặp gỡ với các nông dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; hạn, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Trong đợt hạn, mặn vừa qua, nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, với sự quyết liệt của các địa phương, sự sáng tạo của nông dân trong cách ứng phó đã làm giảm đến nhất mức độ thiệt hại cho người dân. Từ những sáng tạo của nông dân, các địa phương và ngành chuyên môn cần phải tập trung lãnh đạo cho sản xuất nông nghiệp như: Những vùng bị nhiễm mặn thì sản xuất loại cây gì cho phù hợp hoặc canh tác theo cách né mặn. Trung ương cũng cần có chương trình quốc gia về ngăn mặn, giảm thiểu mặn cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Dự báo năm 2020-2021 sẽ tiếp tục có mặn. Vì vậy, ngành chức năng hướng dẫn nông dân trữ nước ngọt ở thời điểm phù hợp. Ngoài ra, các địa phương cũng cần chủ động, nghiên cứu, sáng tạo theo phương thức mùa nào trái ấy. Có như vậy, trái cây của ta có quanh năm và không gặp cảnh “được mùa mất giá”.
Về các kiến nghị của nông dân, Thủ tướng ghi nhận và giao cho các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu và có hướng xử lý trong thời gian tới.