Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thống nhất nhận thức và hành động về phát triển bền vững

Chủ trì, chỉ đạo Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững năm 2019 diễn ra ở Hà Nội ngày 12/9, do Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các bên liên quan tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Phải thống nhất nhận thức và hành động về phát triển bền vững trong toàn hệ thống chính trị, các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân… để nỗ lực đưa đất nước vào thập niên mới (2021-2030) phát triển nhanh và bền vững hơn.

Khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, kiêm Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định: Việt Nam luôn cam kết mạnh mẽ thực hiện các mục tiêu Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Chính phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về vấn đề này với 115 chỉ tiêu lồng ghép vào các chủ trương, chính sách, kế hoạch hành động. Các mục tiêu phát triển bền vững luôn được chú trọng trong các chương trình nghị sự của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận tổ quốc Việt Nam.

Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững đã được tổ chức thường niên từ năm 2018 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, nhằm đánh giá các kết quả đạt được, thảo luận những vấn đề đặt ra cần giải quyết và đề ra kế hoạch, giải pháp hành động tiếp theo, là minh chứng cụ thể cho cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo hội nghị

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo hội nghị

Chủ đề của hội nghị năm nay là hướng tới 1 thập niên mới phát triển bền vững hơn. Phiên thảo luận buổi sáng, các đại biểu đã đề cập tới 3 chủ đề “nóng” đang rất quan tâm, đó là: Phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong thập kỷ 2020-2030: Mô hình tăng trưởng liên ngành ưu việt và sự cải biến trong nguyên lý thiết kế, sử dụng nguyên vật liệu; Quan hệ đối tác công tư: Nhu cầu thực tiễn và định hướng chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững; Nguồn vốn nhân lực: Chỉ số vốn con người, vai trò lãnh đạo bền vững và điều phối cấp nhà nước trong dài hạn. Đây là những vấn đề có tính then chốt quyết định thành công của chiến lược phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, không thể đạt mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra nếu không có sự nỗ lực, hành động quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, cũng như sự hợp tác hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Tất cả cần phải chung tay để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết.

Phát biểu chào mừng hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá: Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sắc về phát triển bền vững. Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng, vì năm 2019 Chính phủ sẽ đánh giá những kết quả đã đạt được trong 5 năm qua về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đề ra các kế hoạch, giải pháp trong giai đoạn tiếp theo. Đây là kênh thông tin chính thức tới các đại biểu Quốc hội, đến toàn thể người dân Việt Nam về những thành tựu đã đạt được trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu khai mạc hội nghị

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu khai mạc hội nghị

Phó Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh Chính phủ đã sớm ban hành Chương trình hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, đồng thời đã hoàn thiện cơ cấu bộ máy tổ chức để triển khai thực hiện kế hoạch này. Với chức năng, quyền hạn lập pháp và giám sát tối cao, Quốc hội đã đóng vai trò quan trọng hoàn thiện khung pháp luật theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN, xây dựng nhà nước pháp quyền, thông qua nhiều đạo luật, chiến lược quốc gia, phân bổ ngân sách cho các chương trình mục tiêu về phát triển bền vững, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đến đồng bào dân tộc thiểu số. Quốc hội hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chương trình phát triển kinh tế xã hội nhóm 16 dân tộc thiểu số còn rất ít người; chỉ đạo tập trung đầu tư khoa học, công nghệ với quyết tâm đổi mới nhanh để tăng cường mô hình tăng trưởng, góp phần đảm bảo đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Tại phiên thảo luận toàn thể buổi chiều, các kết quả thảo luận chuyên đề buổi sáng về phát triển kinh tế tuần hoàn, nhân rộng mô hình PPP, cải thiện nguồn nhân lực, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh quốc gia đã được khuyến nghị tới lãnh đạo Chính phủ. Đồng thời, các bộ, ngành, doanh nghiệp… cũng đã trình bày các tham luận đề cập đến các mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, bao gồm các đột phá về khoa học, công nghệ; cải thiện nguồn nhân lực; nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, các nội dung kiến nghị từ phiên thảo luận buổi sáng và phiên toàn thể buổi chiều sẽ là những thông tin đầu vào rất có giá trị, góp phần giúp cho Chính phủ có cơ sở hoạch định, xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội bền vững giai đoạn 2021-2030 với tầm nhìn và những chính sách mới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển đất nước 2021-2030 trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13.

Thống nhất nhận thức và hành động về phát triển bền vững

Thống nhất nhận thức và hành động về phát triển bền vững

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước, phát triển kinh tế xã hội, trong đó có việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và nay là các mục tiêu phát triển bền vững. Thủ tướng đánh giá cao việc Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh, cùng VCCI và các bên liên quan đã phối hợp tổ chức hội nghị này, để đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong 10 năm vừa qua, đề xuất, kiến nghị các giải pháp phát triển bền vững cho 10 năm tới.

Thủ tướng khẳng định: Phát triển bền vững là xu thế tất yếu của nhân loại. Quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong những giai đoạn vừa qua và 10 năm tới đây, là sẽ tiếp tục phát triển nhanh và bền vững và là trọng tâm xuyên suốt. Để làm được điều này, cần có sự thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, doanh nghiệp và người dân. Đảng, Nhà nước sẽ quyết tâm hành động, nỗ lực, tập trung chính sách và các nguồn lực, giải pháp để thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn trong 10 năm tới, phát triển lấy con người là trung tâm, xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

Kết thúc hội nghị, lãnh đạo VCCI đã trao cho Thủ tướng “Cúp Năng suất” với kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục tiên phong dẫn dắt, đồng thời trao cho Thủ tướng bản cam kết của các doanh nghiệp đang đi tiên phong trong xử lý chất thải nhựa và thực hiện mô hình nền kinh tế tuần hoàn, thể hiện sự quyết tâm của doanh nghiệp hưởng ứng phong trào năng suất do Thủ tướng phát động vừa qua, chung tay, đồng hành với Chính phủ thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-thong-nhat-nhan-thuc-va-hanh-dong-ve-phat-trien-ben-vung-125139.html