Thủ tướng Nhật Bản trước áp lực của chính phủ thiểu số

Tại phiên họp đặc biệt diễn ra vào ngày 11.11, Quốc hội Nhật Bản đã bầu Chủ tịch đảng cầm quyền Ishiba Shigeru tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng thứ 103 của nước này. Tuy nhiên, việc lãnh đạo một Chính phủ thiểu số đã báo trước tương lai đầy thách thức đối với tân Thủ tướng và đảng cầm quyền.

Cuộc bỏ phiếu vòng hai sau 30 năm

Tại vòng bỏ phiếu đầu tiên, ứng cử viên thủ tướng của đảng Tự do Dân chủ (LDP) cầm quyền Ishiba Shigeru và ông Yoshihiko Noda, lãnh đạo Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDP), đảng đối lập lớn nhất trong Quốc hội, là hai ứng cử viên cao phiếu nhất với lần lượt là 221 và 160 phiếu.

 Thủ tướng Ishiba Shigeru tham gia bỏ phiếu tại Quốc hội ngày 11.11. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Ishiba Shigeru tham gia bỏ phiếu tại Quốc hội ngày 11.11. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, cả hai ứng cử viên đều không đạt được đa số quá bán, vì vậy Hạ viện đã tiến hành bầu vòng 2 với chiến thắng cuối cùng thuộc về ông Ishiba Shigeru.

“Tôi sẽ cố gắng hết sức để phụng sự đất nước và người dân, trong bối cảnh môi trường trong và ngoài nước vô cùng khó khăn”, ông Ishiba viết trên nền tảng mạng xã hội X sau khi chính thức được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua.

Đúng như dự đoán, hai đảng đối lập lớn thứ hai và thứ ba trong Quốc hội đã không bắt tay với CDP để bỏ phiếu cho ông Noda. Thay vào đó, họ bỏ phiếu cho các nhà lãnh đạo tương ứng của mình là Nobuyuki Baba và Yuichiro Tamaki, trong cả vòng đầu tiên và vòng hai. Theo quy định, tại vòng hai, phiếu bầu cho những người không phải hai ứng cử trong danh sách, đều bị coi là không hợp lệ. Điều này có lợi cho Ishiba, người đã giữ được ghế của mình.

 Ông Ishiba Shigeru được Quốc hội bầu tiếp tục giữ chức Thủ tướng ngày 11.11. Ảnh: Reuters

Ông Ishiba Shigeru được Quốc hội bầu tiếp tục giữ chức Thủ tướng ngày 11.11. Ảnh: Reuters

Đây là lần đầu tiên trong ba thập kỷ qua và là lần thứ 5 trong lịch sử Nhật Bản, Quốc hội phải bỏ phiếu đến vòng thứ hai để xác định Thủ tướng, cho thấy tình trạng chia rẽ sâu sắc trong cơ quan lập pháp.

Đây cũng là cuộc bỏ phiếu bầu Thủ tướng lần thứ hai trong vòng một tháng tại cơ quan lập pháp của Nhật Bản, sau khi đảng cầm quyền để mất thế đa số trong cuộc tổng tuyển cử hồi cuối tháng 10. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ông Ishiba sẽ điều hành một Chính phủ thiểu số, do vậy những chính sách mà Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru đưa ra trước đây có thể sẽ bị trì hoãn, thậm chí là khó thực hiện; và ông sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng buộc ông phải nhượng bộ phe đối lập để theo đuổi chương trình nghị sự chính trị của mình.

Những cuộc mặc cả khó khăn

Thách thức cấp bách nhất của ông Ishiba là đưa ra ngân sách bổ sung cho năm tài chính đến tháng 3 năm sau, dưới áp lực từ cử tri và các đảng đối lập đòi hỏi tăng chi tiêu cho phúc lợi và các biện pháp bù đắp giá cả tăng cao.

Giáo sư danh dự tại Trường Đại học Nihon, Nhật Bản Tomoaki Iwai nhận định để duy trì quyền lực, ông Ishiba cần phải thông qua ngân sách chính phủ vào mùa đông năm nay. Điều đó đồng nghĩa LDP phải nhượng bộ một số chính sách của mình để tìm kiếm sự hợp tác từ những bên khác.

Trước cuộc bỏ phiếu ngày 11.11, ông Ishiba đã có các cuộc cuộc hội đàm riêng với Chủ tịch Đảng Dân chủ vì nhân dân (DPP) Yuichiro Tamaki và Chủ tịch đảng CDP Yoshihiko Noda. Ông Ishiba cho biết "sẽ có cách tiếp cận chân thành với tất cả các bên" và "điểm quan trọng là đảm bảo Nhật Bản là một quốc gia hòa bình và cải thiện đời sống của người dân". Ông cho biết LDP có cùng quan điểm về vấn đề này với DPP và CDP.

Về phần mình, ông Tamaki yêu cầu Chính phủ tăng cường các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng, giảm giá xăng, cũng như thực hiện cải cách để sửa đổi các quy tắc về tài trợ chính trị và cải thiện tính minh bạch. Liên quan đến gói kích thích kinh tế dự kiến được Quốc hội phê duyệt trước cuối năm, DPP đã yêu cầu đưa vào một số đề xuất kinh tế của đảng, bao gồm việc thiết lập mức miễn thuế thu nhập cao hơn cho những người lao động bán thời gian như một điều kiện để ủng hộ cho gói hỗ trợ này.

Trong khi đó, CDP quan tâm đến những cải cách nhằm làm trong sạch bộ máy chính trị sau vụ bê bối quỹ đen cũng như yêu cầu phải kỷ luật nghiêm minh những đối tượng vi phạm. Ông Noda đã kêu gọi thủ tướng mở đường cho sự hợp tác giữa đảng cầm quyền và đảng đối lập trong kỳ họp tiếp theo của Quốc hội, dự kiến sẽ bắt đầu trong những tuần tới.

Tại kỳ họp Quốc hội gần đây nhất, chính phủ của Thủ tướng khi đó là ông Fumio Kishida đã thông qua việc sửa đổi Luật kiểm soát quỹ chính trị nhưng không nhận được sự ủng hộ của phe đối lập. Trong khi đó, phe đối lập yêu cầu rằng bất kỳ đạo luật nào được thông qua trong vấn đề này cũng cần sự nhất trí của các bên.

Trong cuộc họp báo tối 11.11, ông Ishiba cho biết ông hy vọng sẽ hợp tác với phe đối lập để thực hiện cải cách chính trị trong kỳ họp tiếp theo của Quốc hội, nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền tự do hoạt động chính trị trong khu vực tư nhân - cũng như một cách để giảm sự phụ thuộc của các đảng vào nguồn tài trợ công.

LDP từ lâu đã thể hiện thái độ bất đồng sâu sắc đối với các yêu cầu của phe đối lập, nhưng xét đến tình thế khó khăn hiện tại, đảng này có thể buộc phải nhượng bộ, đặc biệt là trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện vào năm tới.

Trong phiên họp sắp tới của Quốc hội, Nội các mới sẽ phải đối mặt với những thử thách đầu tiên trong những hoàn cảnh bất thường, vì cả ủy ban ngân sách và cải cách chính trị đều do các nhà lập pháp CDP đứng đầu. Ông Ishiba cho biết trong tương lai, LDP sẽ đảm bảo lắng nghe cẩn thận ý kiến của mọi bên đồng thời đưa ra kết luận sớm nhất có thể.

Quỳnh Vũ (Theo Japan Times)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thu-tuong-nhat-ban-truoc-ap-luc-cua-chinh-phu-thieu-so-post396139.html