Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố điều bất ngờ về dự án năng lượng của Nga
Mặc dù đã áp biện pháp trần giá với dầu mỏ Nga từ cuối năm 2022, song Tokyo không giới hạn nhập khẩu dầu từ dự án Sakhalin-2 của Moscow.
Phát biểu tại phiên họp Thượng viện Nhật Bản ngày 27/3, Thủ tướng Fumio Kishida tuyên bố Tokyo muốn tiếp tục đầu tư vào các dự án dầu khí ở Sakhalin để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo Thủ tướng Kishida, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục tham gia vào các dự án năng lượng lớn ở ngoài khơi đảo Sakhalin của Nga do tầm quan trọng của chúng đối với an ninh năng lượng của nước này.
Ông Kishida lưu ý thêm rằng trong năm ngoái, Nhật Bản đã nỗ lực giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng của Nga bằng cách giảm 90% lượng dầu nhập khẩu và 60% than đá.
Cũng theo Thủ tướng Kishida, Nhật Bản, quốc gia đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch của nhóm G7, vẫn "hợp tác chặt chẽ với các nước G7 và cộng đồng thế giới" về vấn đề cung cấp năng lượng.
Đồng thời, Nhật Bản cũng hy vọng nhu cầu về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ tăng lên. Do đó, các dự án Sakhalin của Nga giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với nước này trong việc đảm bảo an ninh năng lượng.
Ông Kishida nhấn mạnh rằng Nhật Bản quyết định sẽ giữ lại cổ phần trong công ty mới của Nga điều hành dự án dầu khí Sakhalin-1. Trong đó, Công ty dầu khí Sakhalin của Nhật Bản (SODECO) sở hữu 30% cổ phần trong dự án ngoài khơi Viễn Đông của Nga.
Năm ngoái, Nga đã cho phép SODECO giữ cổ phần của mình dưới quyền của nhà điều hành nội địa mới của Sakhalin-1 sau sự ra đi của ExxonMobil - nhà điều hành dự án trước đây và là chủ sở hữu 30% cổ phần của Sakhalin-1.
Vào tháng 10/2022, Exxon Neftegaz đã bị giải tán với tư cách là nhà điều hành dự án và chuyển tất cả tài sản và thiết bị của công ty này cho một công ty mới được quản lý bởi công ty con Sakhalinmorneftegaz-Shelf của tập đoàn năng lượng Nga Rosneft.
Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới. Theo S&P, Tokyo đã nhập khẩu 95% dầu thô đến từ khu vực Trung Đông sau khi nước này ngừng nhập khẩu dầu thô từ Nga cùng với các nước phương Tây.
Theo đài RT, cuối năm ngoái, Nhật Bản đã áp giá trần đối với dầu nhập khẩu của Nga như một phần trong nỗ lực nhằm giảm doanh thu từ dầu mỏ của Moscow. Các biện pháp do Mỹ đưa ra và được G7, EU, Australia ủng hộ. Tuy nhiên, Tokyo không giới hạn nhập khẩu dầu từ dự án Sakhalin-2 của Nga, nói rằng một động thái như vậy sẽ gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng của nước này.