Thủ tướng: Ninh Bình cần dựa vào công nghiệp và dịch vụ để bứt phá

Thủ tướng yêu cầu Ninh Bình khẩn trương xây dựng Hoa Lư thành thành phố di sản...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP

Dự hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sáng ngày 28/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc tổ chức và cơ bản thống nhất với nội dung hội nghị, đồng thời bày tỏ sự ấn tượng với khát vọng, ý chí, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình trong triển khai Quy hoạch tỉnh.

NỀN TẢNG VỮNG CHẮC ĐỂ NINH BÌNH PHÁT TRIỂN

Thủ tướng khẳng định Ninh Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế, là tỉnh nằm ở cực Nam đồng bằng sông Hồng, có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng - an ninh; điểm giao cắt giữa 3 vùng (Vùng Đồng bằng sông Hồng - Vùng rừng núi Tây Bắc và Vùng duyên hải Bắc Trung Bộ).

Tỉnh là vùng đất "địa linh nhân kiệt", nhiều giá trị văn hóa - lịch sử - sinh thái tự nhiên độc đáo, đặc sắc riêng có. Đặc biệt, Ninh Bình có Cố đô Hoa Lư với di sản lịch sử - văn hóa đồ sộ, đặc sắc, phong phú, chứa đựng những giá trị độc đáo; là một trong 8 tỉnh, thành phố có Di sản thế giới và là địa phương duy nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á sở hữu di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên - Quần thể danh thắng Tràng An, Vườn Quốc gia Cúc Phương..., nhiều nghề thủ công truyền thống đa dạng.

Ninh Bình cũng là 1 trong 3 trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô lớn, hiện đại của đất nước; 1 trung tâm chế biến rau quả hàng đầu Việt Nam. Dịch vụ của tỉnh phát triển mạnh mẽ, với du lịch trở thành điểm sáng, nhiều năm liền giữ vững vị trí trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu và 10 tỉnh thu hút lượng khách cao nhất cả nước, đang dần trở thành trung tâm du lịch của quốc gia và quốc tế.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh các kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh đạt được thời gian qua. Năm 2023, kinh tế tỉnh duy trì phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 7,27%, đứng thứ 8 trong Vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 22 toàn quốc; quý 1/2024 tiếp tục tăng ở mức 8,02%. Từ năm 2022 tỉnh Ninh Bình thực hiện tự chủ về ngân sách (năm 2023 xếp 26/63, ước đạt 16.144 tỷ đồng); xuất khẩu xếp 23/63.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Ninh Bình - Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Ninh Bình - Ảnh: VGP

Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỉ trọng hơn 80% trong cơ cấu kinh tế. Công nghiệp thực sự đã trở thành động lực trong tăng trưởng. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và bền vững của tỉnh. Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nâng cấp, nhất là hạ tầng giao thông...

Công tác xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, đồng bộ, đạt được nhiều kết quả tích cực (đã có 100% xã và 100% huyện, thành phố của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới). Công tác đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 ở mức thấp (đến hết năm 2023 lần lượt là 1,86% và 2,27%; GRDP bình quân đầu người xếp 24/63).

Giáo dục - đào tạo được quan tâm, chú trọng phát triển toàn diện cả quy mô và chất lượng. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại mở rộng...

"Đây chính là nền tảng vững chắc để Ninh Bình tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên con đường phát triển và hội nhập", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của tỉnh. Quy mô kinh tế nhỏ so với các tỉnh trong khu vực. Đô thị hóa thấp (dân số thành thị mới chiếm 21,5%, dân số nông thôn chiếm 78,5%). Việc phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… cần đầu tư hơn nữa. Công tác giải phóng mặt bằng và triển khai một số dự án còn chậm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn phức tạp…

MỘT TRỌNG TÂM, HAI QUYẾT TÂM, BA ĐỘNG LỰC

Theo Thủ tướng, Quy hoạch tỉnh đã mở ra đường hướng, tầm nhìn và không gian phát triển mới, tạo động lực, giá trị mới cho Ninh Bình trong bức tranh chung của các tỉnh, thành phố trong khu vực và trên cả nước.

Quy hoạch tỉnh đã lựa chọn mô hình phát triển "xanh" dựa trên 4 ngành kinh tế trụ cột, 3 hành lang phát triển. Thủ tướng cho rằng, đây là lựa chọn hết sức đúng đắn, mang tầm chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới.

Theo người đứng đầu Chính phủ, để thực hiện Quy hoạch, tỉnh Ninh Bình cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 quyết tâm, 3 động lực".

"Một trọng tâm" là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thực hiện quy hoạch, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá, trong đó nguồn lực quan trọng nhất vẫn là con người, phát huy tối đa tính tự lực, tự cường, truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng của vùng đất Cố đô Hoa Lư.

"Hai quyết tâm" gồm: (1) Quyết tâm đầu tư, phát triển yếu tố con người, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để đi lên từ "bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển" của mình, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; (2) Quyết tâm phát huy vai trò kết nối của 3 vùng (Vùng Đồng bằng sông Hồng - Vùng rừng núi Tây Bắc và Vùng duyên hải Bắc Trung Bộ) về kinh tế, giao thông, hạ tầng, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi…

"Ba động lực" gồm: (1) Phát triển hạ tầng chiến lược; (2) Phát triển công nghiệp và dịch vụ, trong đó có công nghiệp ô tô, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản; (3) Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Đồng thời, tỉnh Ninh Bình cần phải lưu ý bảo đảm tính tuân thủ, tính đồng bộ, tính liên kết, tính ổn định, kế thừa, phát triển, tính linh hoạt, mở rộng của quy hoạch.

XÂY DỰNG HOA LƯ THÀNH THÀNH PHỐ DI SẢN

Phân tích thêm về một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh cần dựa vào công nghiệp và dịch vụ để bứt phá, chú trọng xây dựng giá trị thương hiệu di sản, du lịch.

Nhấn mạnh Cố đô Hoa Lư, rừng Cúc Phương, Tràng An, Tam Cốc – Bích Động… là những tài sản vô giá, Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước đã có chủ trương, tỉnh Ninh Bình cần mạnh dạn đổi mới, "giải phóng chính mình", giải phóng tư duy, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, tổ chức đấu thầu quản lý, khai thác các di sản để đẩy mạnh hợp tác công tư, phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân, của doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự hội nghị - Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự hội nghị - Ảnh: VGP

"Đất, rừng, di sản, tài sản vẫn còn nguyên, vẫn là của Nhà nước, của nhân dân nhưng được bảo tồn, phát huy và khai thác hiệu quả nhất", Thủ tướng nói. Thực tế, Ninh Bình đã "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể" trong phát huy truyền thống văn hóa – lịch sử, khai thác các di sản, điển hình như trong phát triển Quần thể danh thắng Tràng An, cần tiếp tục tổng kết và nhân rộng.

Cùng với đó, khẩn trương xây dựng Hoa Lư thành thành phố di sản, nghiên cứu xây dựng đoàn nghệ thuật Ninh Bình… Thủ tướng cũng lấy gợi ý, tỉnh có thể ban hành cơ chế, chính sách ưu tiên cho loại hình nghệ thuật hát Xẩm, Đại học Hoa Lư có thể mở ngành đào tạo về nghệ thuật này.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo, tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hóa, giải trí, chuyển đổi số; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường …

Về hạ tầng giao thông, Thủ tướng yêu cầu Ninh Bình phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để khẩn trương hoàn thành tuyến đường cao tốc ven biển Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình, con đường kết nối di sản…

Thủ tướng nêu rõ, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý đã có, tiềm năng, định hướng phát triển đã được xác định, giải pháp đã rõ, vấn đề còn lại mang tính quyết định đó là tổ chức thực hiện hiệu quả với tư duy, tính năng động, sáng tạo, quyết tâm chính trị và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Ninh Bình, huy động trí tuệ, sức mạnh của con người Ninh Bình cho sự phát triển.

Để triển khai Quy hoạch được thiết thực, hiệu quả, Thủ tướng đề nghị tỉnh lưu ý phải khẩn trương xây dựng, ban hành, triển khai tích cực, hiệu quả kế hoạch thực hiện Quy hoạch.

Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh mạnh dạn trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền với tinh thần "chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh".

Với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị phát huy tinh thần "ba cùng": "Cùng lắng nghe, thấu hiểu"; "cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động"; "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển"; xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác; tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt văn hóa, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tham gia vào công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống cho người lao động.

Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng các bộ, ngành, các cấp chính quyền tỉnh Ninh Bình và các địa phương "đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải ra sản phẩm, có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được"; góp phần củng cố niềm tin, tạo khí thế mới, động lực mới cho phát triển.

Tiến Dũng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thu-tuong-ninh-binh-can-dua-vao-cong-nghiep-va-dich-vu-de-but-pha.htm