Thủ tướng nói mục tiêu 1.200 km cao tốc 'cán đích' năm 2025

Nhấn mạnh mục tiêu hoàn thành thêm khoảng 1.200 km cao tốc vào năm 2025, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, nhà thầu, đơn vị thi công cần tăng tốc, bứt phá để triển khai công việc.

Sáng 8/8, kết luận phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu hoàn thành thêm khoảng 1.200 km đường bộ cao tốc vào năm 2025, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước lên trên 3.000 km.

Do thời gian không còn nhiều, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, nhà thầu, đơn vị thi công cần tăng tốc, bứt phá để triển khai công việc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Nhật Bắc.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu phối hợp với các địa phương hoàn thành dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021 – 2025 và các dự án: Biên Hòa - Vũng Tàu, Hòa Liên - Túy Loan trong năm 2025 và dự án thành phần 2 Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường Hồ Chí Minh theo kế hoạch…

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp Bộ GTVT sớm hoàn thiện các thủ tục để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Nghị quyết điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; tham mưu Chính phủ ban hành nghị quyết về điều chỉnh thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày đối với khai thác cát, sỏi lòng sông.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Phát triển đường cao tốc kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ các dự án cảng hàng không, cao tốc Bến Lức - Long Thành; sớm hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng đoạn TPHCM - Long Thành.

Các dự án đường bộ cao tốc đường hoàn thành đã mở ra không gian phát triển mới cho địa phương, vùng miền.

Các dự án đường bộ cao tốc đường hoàn thành đã mở ra không gian phát triển mới cho địa phương, vùng miền.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Sơn La, Thái Bình, Ninh Bình, Bình Dương đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án Hòa Bình - Mộc Châu, Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn đầu tư công qua Ninh Bình và đoạn Nam Định - Thái Bình theo phương thức PPP), TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Tỉnh Lâm Đồng chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết vướng mắc, sớm phê duyệt dự án đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương.

TPHCM khẩn trương chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án Vành đai 4; chủ động, quyết liệt, tích cực triển khai để đưa vào khai thác dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên đúng tiến độ đề ra.

Tỉnh Bình Phước, Đắk Nông khẩn trương tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết thực hiện Nghị quyết 138/2024/QH15 của Quốc hội. Tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Bộ GTVT để điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Biên Hòa - Vũng Tàu.

Với các địa phương có mỏ vật liệu khu vực phía Nam, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phối hợp triển khai các thủ tục cấp mỏ vật liệu đắp, mỏ đá cho các dự án, ưu tiên trước cho dự án Cần Thơ - Cà Mau và Vành đai 3 TPHCM có kế hoạch hoàn thành năm 2025.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thu-tuong-noi-muc-tieu-1200-km-cao-toc-can-dich-nam-2025-post1662027.tpo