Thủ tướng Pakistan bị phế truất sẽ tác động như thế nào tới thế giới?
Do Pakistan nằm ở vị trí chiến lược quan trọng giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Afghanistan, bất ổn tại nước này có thể ảnh hưởng tới nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Sau khi ông Imran Khan bị phế truất, rất có thể một chính phủ mới sẽ được thành lập dưới quyền lãnh đạo phe đối lập Shehbaz Sharif, nhưng không rõ liệu nó có thể kéo dài bao lâu, hay liệu các cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào cuối năm nay có mang lại sự rõ ràng hơn.
Quốc gia hơn 220 triệu dân này có vị trí chiến lược quan trọng, khi nằm giữa Afghanistan, Trung Quốc và Ấn Độ, theo Reuters.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2018, ông Khan đã bày tỏ quan điểm chống đối Mỹ nhiều hơn. Bên cạnh đó, ông cũng mong muốn xích lại với Trung Quốc và gần đây là Nga, bao gồm cả cuộc hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin vào ngày “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Moscow tại Ukraine bắt đầu.
Đồng thời, theo các chuyên gia chính sách đối ngoại của Mỹ và châu Á, quân đội hùng mạnh của Pakistan có truyền thống kiểm soát chính sách đối ngoại và quốc phòng, do đó hạn chế tác động của bất ổn chính trị.
Trung Quốc
Ông Khan luôn nhấn mạnh vai trò tích cực của Trung Quốc đối với Pakistan và trên thế giới nói chung.
Đồng thời, Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) trị giá 60 tỷ USD gắn kết các nước láng giềng với nhau đã thực sự được lên ý tưởng và khởi động bởi hai chính đảng tại Pakistan, vốn đều muốn ông Khan rời bỏ quyền lực.
Shehbaz Sharif, người kế nhiệm tiềm năng của ông Khan, đã ký các thỏa thuận trực tiếp với Trung Quốc dưới tư cách là lãnh đạo tỉnh Punjab, miền Đông nước này. Danh tiếng của ông Sharif trong việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng lớn có thể là tin vui đối với Bắc Kinh.
Ấn Độ
Hai nước láng giềng đã chiến đấu ba cuộc chiến kể từ khi Pakistan giành độc lập vào năm 1947, hai trong số đó là trên lãnh thổ tranh chấp Kashmir.
Đối với Afghanistan, quân đội Pakistan kiểm soát chính sách ở khu vực nhạy cảm. Căng thẳng dọc theo biên giới giữa hai nước đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2021, nhờ lệnh ngừng bắn.
Tuy nhiên, Ấn Độ và Pakistan lại không có cuộc đàm phán ngoại giao chính thức nào trong nhiều năm do mất lòng tin sâu sắc về một loạt vấn đề.
Karan Thapar, một nhà bình luận chính trị đã theo sát mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan, cho biết quân đội Pakistan có thể gây áp lực lên chính phủ mới ở Islamabad để thiết lập lệnh ngừng bắn thành công ở Kashmir.
Ngoài ra, tướng Pakistan Qamar Javed Bajwa gần đây cho biết đất nước của ông sẵn sàng mang tới tiến triển về vấn đề Kashmir nếu Ấn Độ đồng ý.
Mỹ
Các chuyên gia về Nam Á tại Mỹ cho rằng cuộc khủng hoảng chính trị ở Pakistan khó có thể là ưu tiên đối với Tổng thống Joe Biden, trừ khi nó dẫn đến bất ổn hàng loạt hoặc gia tăng căng thẳng với Ấn Độ. Theo các chuyên gia, chính quyền của ông Biden hiện phải vật lộn với các vấn đề liên quan tới “chiến dịch quân sự” của Nga tại Ukraine.
“Chúng tôi có rất nhiều việc quan trọng hơn phải làm”, Robin Raphel, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ về khu vực Nam Á, cho biết.
Theo một số nhà phân tích, với việc quân đội Pakistan duy trì quyền kiểm soát đối với các chính sách đối ngoại và an ninh, số phận chính trị của Khan không phải là mối quan tâm lớn.
Lisa Curtis, giám sát cấp cao khu vực Nam Á của Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời chính quyền ông Donald Trump, cũng khẳng định những diễn biến chính trị nội bộ của Pakistan không là mối quan tâm của Washington.
Bà nói thêm rằng chuyến thăm của ông Khan tới Moscow là một "thảm họa" về mặt quan hệ với Mỹ. Một chính phủ mới ở Islamabad ít nhất có thể giúp hàn gắn quan hệ "ở một mức độ nào đó", bà cho biết.
Trong khi đó, ông Khan đã đổ lỗi cho Mỹ về cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại, nói rằng Washington muốn ông bị phế truất vì chuyến thăm Moscow gần đây. Tuy nhiên, phía Washington phủ nhận mọi cáo buộc.
Afghanistan
Mối quan hệ giữa cơ quan tình báo quân sự của Pakistan và lực lượng Hồi giáo Taliban đã “phai nhạt dần” trong những năm gần đây.
Hiện Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan, cũng như đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo, Qatar được cho là đối tác nước ngoài quan trọng nhất của họ.
"Chúng tôi (Mỹ) không cần Pakistan làm đầu mối cho Taliban. Qatar chắc chắn đang đóng vai trò đó", bà Lisa Curtis, Giám đốc Chương trình An ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ Mới cho biết
Căng thẳng đã leo thang giữa quân đội Taliban và Pakistan, khi hai bên tiến hành nhiều cuộc giao tranh ở biên giới chung. Pakistan muốn Taliban làm nhiều hơn nữa để trấn áp các nhóm cực đoan và lo ngại chúng sẽ gieo rắc bạo lực vào Pakistan.
Trong khi đó, ông Khan ít chỉ trích Taliban về nhân quyền hơn hầu hết nhà lãnh đạo nước ngoài.