Thủ tướng: Phải coi dữ liệu số là tài nguyên quốc gia

Theo Thủ tướng, luôn phải coi dữ liệu số là tài nguyên quốc gia, càng khai thác nguồn tài nguyên này thì đất nước càng phát triển.

Chuyển đổi số để người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi

Sáng 10/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số dự chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) năm 2023, với chủ đề "Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị".

Chương trình do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng nêu rõ, đây là năm thứ 2 liên tiếp, chúng ta tổ chức sự kiện quan trọng này, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước chung tay đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.

 Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và kết quả đạt được trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và kết quả đạt được trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của Chính phủ trong chuyển đổi số là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số.

"Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Sớm ban hành tiêu chuẩn về dữ liệu số

Với thông điệp "Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới", yêu cầu "thông thoáng về chính sách, thông suốt về hạ tầng, thông minh về quản lý", Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ.

Trước hết,các bộ, ngành, địa phương cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách cho hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số để thúc đẩy dữ liệu số phát triển ổn định, bền vững.

Sớm xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu số; danh mục dữ liệu dùng chung.

Tiếp đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc tạo lập dữ liệu, đẩy mạnh thu thập, xử lý, làm sạch dữ liệu, kết nối các hạ tầng số tập trung để khai thác, chia sẻ dữ liệu. Sớm trình cấp có thẩm quyền chủ trương đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh:

Luôn phải coi dữ liệu số là tài nguyên quốc gia, càng khai thác nguồn tài nguyên này thì đất nước càng phát triển.

Về một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp nghiên cứu, đề xuất giải pháp bổ sung thông tin địa chỉ số quốc gia vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các bộ tích hợp tài khoản định danh điện tử với hệ thống sàn giao dịch bất động sản quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Khai báo địa chỉ số của cá nhân, tổ chức trên VNeID bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành.

Giao Bộ Công an chủ trì, làm việc với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu, đề xuất giải pháp tích hợp tiện ích sổ bảo hiểm xã hội trên ứng dụng VNeID, bảo đảm hiệu quả, không chồng chéo, lãng phí.

Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tổ chức hướng dẫn các cơ sở y tế và người dân sử dụng thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán.

Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng số, nhất là hạ tầng dùng chung, hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng…

Giao Bộ Tư pháp phát triển hạ tầng số để tối ưu hóa hệ thống đăng ký quản lý hộ tịch điện tử, đảm bảo hiệu quả trong thực hiện các thủ tục hành chính liên thông "Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi"; "Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí".

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số.

Ông nhấn mạnh các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tập trung nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ số để tạo ra giá trị bền vững trong tạo lập và khai thác dữ liệu. Chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D).

Tính đến nay, việc tạo lập và khai thác dữ liệu số đã đạt được nhiều kết quả tích cực:

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia hoạt động hiệu quả, năng lực phục vụ được tăng cường với 1,6 triệu giao dịch hàng ngày.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tiếp nhận gần 1,2 tỷ yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin; Cơ sở dữ liệu quốc gia bảo hiểm đã xác thực thông tin trên 91 triệu nhân khẩu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cơ sở dữ liệu về hộ tịch điện tử đã có trên 45 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 9,2 triệu trẻ em được cấp Số định danh cá nhân.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đã kết nối, đồng bộ dữ liệu với 100% các bộ, ngành, địa phương; đồng bộ trên 2,1 triệu dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức (đạt tỉ lệ 95%).

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thu-tuong-phai-coi-du-lieu-so-la-tai-nguyen-quoc-gia-192231010142340504.htm