Thủ tướng: Phải hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

Đối tượng thu nhập bị giảm sâu, mất việc làm, không đảm bảo cuộc sống tối thiểu bởi Covid-19, là người nghèo, cận nghèo, người có công.

Chiều 5/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ, thảo luận về gói hỗ trợ an sinh xã hội, trong đó đã thống nhất nhiều nội dung nêu trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, như nguyên tắc hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ, phương thức và thời gian hỗ trợ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu việc chi trả hỗ trợ phải thuận lợi cho người lao động, người gặp khó khăn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu việc chi trả hỗ trợ phải thuận lợi cho người lao động, người gặp khó khăn

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trước dịch Covid-19, Chính phủ cả hệ thống chính trị đã tập trung công sức, thời gian, trí tuệ để chống dịch và bước đầu mang lại hiệu quả. Cùng với công bố dịch trên toàn quốc, nhiều biện pháp cần thiết đã được áp dụng trên cả nước.

Cùng với ưu tiên chống dịch, Thường trực Chính phủ và Chính phủ đã thảo luận nhiều lần về gói an sinh xã hội để sớm hỗ trợ những người khó khăn trong xã hội. Tiếp ngay sau gói này, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Sau khi các bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội nêu ý kiến, Thủ tướng nhấn mạnh, Nhà nước bằng các biện pháp, nguồn lực khác nhau cần thiết phải hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội gặp khó khăn do Covid-19, không để người dân nào đói cơm, lạt muối. Chính sách này khi triển khai cũng góp phần dưỡng sức, tái sản xuất sức lao động để là động lực tiếp tục phát triển kinh tế xã hội thời gian tới.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện báo cáo trước khi trình các cơ quan có thẩm quyền.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hoàn thiện báo cáo để trình Tổng Bí thư các nội dung quan trọng này, kiến nghị Tổng Bí thư giao Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xử lý theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo sớm thực hiện được chính sách giàu ý nghĩa này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành hoàn thiện báo cáo trình Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày mai (6/4).

Về đối tượng dự kiến được hưởng chính sách, Thủ tướng kết luận, cơ bản các thành viên Chính phủ thống nhất 7 nhóm đối tượng, trong đó 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ từ ngân sách, một nhóm đối tượng được doanh nghiệp vay lãi suất ưu đãi 0% để hỗ trợ. Mức hỗ trợ cơ bản thống nhất với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong dự thảo Nghị quyết.

“Tôi nhấn mạnh chú ý các đối tượng thu nhập bị giảm sâu, mất việc làm, không đảm bảo cuộc sống tối thiểu bởi Covid-19, trước hết là cho người nghèo, cận nghèo, người có công. Số lượng bao nhiêu, đối tượng bao dự thảo nêu rất rõ”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp

Về nguồn hỗ trợ, Thủ tướng đề cập đến các nguồn tiết kiệm chi như chi thường xuyên, giảm hội nghị hội thảo, giảm đi công tác nước ngoài, giảm các lễ hội; các nguồn đó là nguồn tăng thu năm 2019, dự phòng năm 2020 và các nguồn hợp pháp khác. Trong đó có tính toán đến sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp sau khi xin ý kiến các cơ quan chức năng.

Cả Trung ương và địa phương đều có trách nhiệm về nguồn hỗ trợ này chứ không chỉ có Trung ương. Người lao động, người yếu thế ở trên địa bàn các địa phương.

"Tôi thấy Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh các đồng chí đã chủ động chi cho nhiều đối tượng. Bình Dương và nhiều tỉnh khác đã chủ động chi rồi. Thậm chí Đắk Nông khó khăn thế cũng đã chủ động chi một phần. Quan điểm như thế để các đồng chí thấy rõ thứ nhất là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, thứ hai là trách nhiệm của doanh nghiệp. Phần tháo gỡ cho doanh nghiệp sẽ có hội nghị khác, nhưng việc doanh nghiệp đi vay vốn lãi suất 0% này là rất cần thiết. Tôi hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra đề xuất này", Thủ tướng nêu rõ.

Bên cạnh các nguồn ngân sách Nhà nước cả Trung ương và địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các doanh nghiệp hỗ trợ người lao động trong lúc khó khăn này.

"Các doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ đời sống của nhân dân như việc tiết giảm chi phí, sử dụng các quỹ tối đa. EVN giảm giá điện với tổng số tiền khoảng 11.000 tỉ đồng. Tổng giá trị của gói hỗ trợ giá dịch vụ viễn thông vào khoảng 15.000 tỉ đồng. Tôi đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ làm văn bản Thủ tướng ký chỉ đạo Chủ tịch các tỉnh, thành phải giảm giá nước và các loại phí khác mà người dân phải giao dịch….Cùng với việc vay vốn 0% lãi suất để trả lương cho người lao động thì vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng", Thủ tướng khẳng định.

Tại phiên họp, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành chuẩn bị kỹ các phương án thực hiện chính sách để khi chính sách được ban hành đi vào cuộc sống ngay. Theo đó, phải đảm bảo yêu cầu dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi để người dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giám sát, chống tình trạng lợi dụng chính sách và xử lý nghiêm tình trạng vi phạm./.

Vũ Dũng/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-phai-ho-tro-nguoi-dan-gap-kho-khan-do-dai-dich-covid19-1033115.vov