Thủ tướng: Phải tổ chức lại không gian sinh tồn, không gian sản xuất ĐBSCL
Tổ chức lại không gian sinh tồn, không gian sản xuất của người dân là một trong bốn nhiệm vụ mà Thủ tướng đề ra với chính quyền các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Chiều 12-8, tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về công tác khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cấp bách xử lý, phòng chống sạt lở
Chuẩn bị cho hội nghị quan trọng này, hôm qua Thủ tướng đã bay trực thăng thị sát tình trạng sụt lún, sạt lở, ngập úng ở 8 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và nghe các địa phương báo cáo. Và hôm nay, Thủ tướng đánh giá đây là vấn đề rất cấp bách, cần xử lý ngay.
Hiện trạng lúc này, Cà Mau đang sạt lở nghiêm trọng vùng biển phía Tây, Kiên Giang thì là khu vực rừng U Minh, An Giang là dải bờ sông khu vực biên giới Châu Đốc, Đồng Tháp là Cao Lãnh “bên lở bên bồi”, còn Vĩnh Long là đoạn sông chạy thẳng vào thành phố.
Thủ tướng yêu cầu 5 tỉnh này sớm hoàn thiện hồ sơ theo quy định gửi các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, để xử lý ngay.
Đối với các tỉnh còn lại, Thủ tướng yêu cầu chọn ra các dự án chống sạt lở cấp bách nhất để triển khai, trên tinh thần sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, còn thiếu bao nhiêu thì đề nghị Trung ương. Trung ương căn cứ tình hình phê duyệt xử lý trọng tâm, trọng điểm và dứt điểm.
Theo Thủ tướng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng có tác động lớn đến cả 3 miền của đất nước, nhưng ĐBSCL chịu tác động nặng nề nhất về sạt lở, sụt lún ở mức 0,96cm/năm, trong lúc nước biển dâng 0,35cm/năm.
Ngoài ra, các tỉnh trong vùng còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các hoạt động trên thượng nguồn sông Mekong dẫn hình thái lòng sông thay đổi, mất đi lượng lớn phù sa màu mỡ.
Trước tình trạng sạt lở, xâm thực bờ sông, bờ biển, rừng ngập mặn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chủ động hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân khu vực đang bị sạt lở.
Cần chủ động di dời ngay các hộ dân ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tránh để bị động, bất ngờ dẫn tới thiệt hại tính mạng của người dân. Tiếp tục xử lý, khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Tổ chức lại không gian sinh tồn và không gian sản xuất
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng nêu ra 4 nhiệm vụ lớn cho ĐBSCL gồm: Ngăn chặn, đẩy lùi sụt lún, sạt lở, ngập úng; phát triển, bảo vệ khai thác bền vững đất, rừng, tài nguyên khoáng sản ở khu vực; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế người dân; và phát triển, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
Một cách tổng quát, là Tổ chức lại không gian sinh tồn và không gian sản xuất cho cả vùng ĐBSCL.
Để triển khai thành công các nhiệm vụ này, Thủ tướng đưa ra một số quan điểm chỉ đạo điều hành:
Phải có giải pháp nâng cao nhận thức của người về diễn biến phức tạp và hậu quả nghiêm trọng của sụt lún, sạt lở và ngập úng;
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và huy động người dân, doanh nghiệp cùng vào cuộc;
Có giải pháp cách bách và lâu dài; huy động mọi nguồn lực từ nhân danh, doanh nghiệp và các nguồn lực hợp pháp khác.
Quan trọng nhất là các địa phương phải đẩy mạnh phân cấp phân quyền, nâng cao tính thực thi cấp dưới, tăng cường kiểm tra giám sát...