Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ấm lòng du khách - hài lòng chủ nhà
Đó là chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, sáng 21-12. Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận, đổi mới, sáng tạo hơn trong phát triển du lịch và thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam.
Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Chính phủ với đầu cầu của 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các điểm du lịch thu hút nhiều khách quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khi đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Chính phủ có quyết định đúng đắn là mở cửa nền kinh tế sớm so với một số nước. Ngay sau đó là quyết định mở cửa thể thao (tổ chức SeaGame) và quyết định mở cửa du lịch vào tháng 3-2022...
Đến nay, có thể khẳng định những quyết định trên là đúng đắn. Việc mở cửa mang lại hiệu quả ở nhiều lĩnh vực. Song việc mở cửa du lịch vẫn chưa như mong muốn, nhất là đối với việc thu hút khách du lịch quốc tế... “Du lịch đi trước nhưng về sau”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, các chuyên gia phân tích nguyên nhân, trách nhiệm trong thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, trong đó cần xem xét tính đa dạng, phong phú của sản phẩm du lịch; tính đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng du lịch; truyền thông, quảng bá du lịch; xem xét việc đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong phát triển du lịch...
Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có kế sách, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam bền vững, lâu dài với cơ sở nền tảng là văn hóa... trước mắt là vào mùa xuân 2023 và tạo đột phá về du lịch trong tương lai.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút khách quốc tế còn một số “điểm nghẽn” như chính sách visa có nhiều đổi mới, tiến bộ nhưng khi triển khai chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa phát huy tối đa hiệu quả…
Nhiều đại biểu cũng cho rằng cần nhanh chóng mở văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài để chủ động nghiên cứu, định hướng thị trường, hỗ trợ kết nối, trực tiếp xúc tiến, quảng bá du lịch quốc tế…
Phát biểu kết luận hội nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả giải pháp đa dạng hóa thị trường du lịch.
Tập trung triển khai nhất quán, đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, rào cản, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch nâng cao khả năng tiếp cận thị trường mục tiêu; phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc thù; tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế từ thị trường trọng điểm, thị trường khách có khả năng chi trả cao, hướng tới khai thác du lịch chú trọng chất lượng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phát triển du lịch phải đặt trong phát triển chung của các ngành kinh tế khác vì nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã xác định rõ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, kinh tế xanh, phát triển bền vững.
“Việt Nam là đất nước đặc trưng, có nền văn hóa đặc sắc, có nhiều di sản, vì vậy phát triển du lịch gắn với phát triển văn hóa. Việc định vị thương hiệu du lịch quốc gia cần gắn lịch sử truyền thống và bản sắc văn hóa của dân tộc và đảm bảo ổn định chính trị trật tự an toàn xã hội. Trong xây dựng hình ảnh Việt Nam điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi phải dựa trên giá trị ấm lòng du khách - hài lòng chủ nhà”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát các quy định của pháp luật trong đó có việc cấp visa; xử lý kịp thời, nhanh chóng vấn đề liên quan thủ tục hành chính; xây dựng mô hình du lịch mới độc đáo, tạo sự khác biệt hấp dẫn du khách.
Theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam đón 2,9 triệu lượt khách quốc tế (tăng 21,1 lần so cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 81,9% so cùng kỳ năm 2019), trong đó có 2,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam là khách du lịch (chiếm 93,1%). Năm 2022, ước lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 3,5 triệu lượt (bằng 70% so chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm 2022).