Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bảo đảm mọi người dân được sống trong môi trường an toàn
Ngày 12/9, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH) và lực lượng PCCC. Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đồng chủ trì hội nghị.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại điểm cầu UBND tỉnh, dự hội nghị có đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại tá Phan Thanh Tám, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành và lực lượng chức năng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Thời gian qua, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, khó lường, tần suất ngày càng cao, nhất là các vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tại các quán karaoke… Những vụ việc nghiêm trọng, thương tâm trên là cảnh báo và cho thấy tình hình là khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới cho công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố, tai nạn, hỏa hoạn, để bảo đảm an toàn tài sản và nhất là tính mạng con người; đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. “Bảo đảm mọi người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Báo cáo do Thứ trưởng Bộ Công an, thiếu tướng Nguyễn Văn Long trình bày tại hội nghị cho biết: Trong 5 năm (2017-2021), toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy, gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng. Thiệt hại do cháy gây ra làm chết 433 người, bị thương 790 người, tài sản thiệt hại ước tính 7.043 tỉ đồng và 7.548ha rừng. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 1.136 vụ cháy, làm 57 người chết, 52 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính 532 tỉ đồng và 39ha rừng.
Nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện (45,8%); do sơ suất, bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (26,3%); do đốt cỏ, rác (3,8%); do tai nạn giao thông (0,2%); do vi phạm quy định an toàn PCCC (1,5%); nguyên nhân khác (12,1%). Cháy lớn xảy ra tập trung tại các tỉnh, thành có tốc độ phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều khu công nghiệp, khu dân cư tập trung.
Để thực hiện hiệu quả công tác PCCC và CNCH trong thời gian tới, kiềm chế sự gia tăng cả về số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, sự cố, tai nạn gây ra, Bộ Công an đề ra các giải pháp: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh và Nhân dân tự giác chấp hành, tham gia thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH; tham gia phong trào Toàn dân PCCC và CNCH. Kiện toàn, củng cố lại các lực lượng tại chỗ làm công tác PCCC và CNCH tại khu dân cư, cơ sở. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác PCCC và CNCH, nhất là việc tự kiểm tra, khắc phục dứt điểm những hạn chế, thiếu sót về bảo đảm an toàn PCCC và CNCH…