Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị khắc phục hậu quả bão số 3, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng

Ngày 15/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão.

Dự tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Triệu Đình Lê; Chủ tịch UBND tỉnh Xuân Ánh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Thạch; lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Bão số 3 gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân và Nhà nước tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40 nghìn tỷ đồng. Trong đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp 3 trở lên; trên 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gãy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị gãy đổ.

Tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến 6 giờ sáng 15/9, mưa lũ, sạt lở, ngập lụt do hoàn lưu bão làm 348 người chết, mất tích, 1.921 người bị thương; gần 232.000 ngôi nhà bị hư hỏng; hơn 190.000 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; gần 48.000 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; gần 32.000 ha cây ăn quả bị hư hại; 3.269 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 2,6 triệu gia cầm, gia súc bị chết…

Trước diễn biến phức tạp của mưa bão, các cấp, ngành đã triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân ổn định đời sống và khôi phục sản xuất. Tính đến hết ngày 14/9, các tổ chức, cá nhân đăng ký và ủng hộ các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 gây ra với số tiền 1.001 tỷ đồng chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với mưa bão; công tác tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục thiệt hại; công tác hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định cuộc sống, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tại Cao Bằng, đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 55 người chết, 3 người mất tích, 16 người bị thương. Có 1.787 nhà thiệt hại, ảnh hưởng, trong đó, có 64 nhà sập đổ, cháy, hư hỏng hoàn toàn; 91 nhà bị hư hỏng mái, 1.181 nhà bị ngập nước, 451 nhà bị hưng hỏng do ảnh hưởng sạt lở đất, 455 nhà có nguy cơ sạt lở phải di dời. Thiệt hại 1.911 ha lúa và hoa màu bị ngập úng; 1,59 ha diện tích nuôi cá, 34 ao nuôi cá truyền thống bị cuốn trôi...; 780 vị trí tại các tuyến quốc lộ, 189 vị trí tại đường tỉnh, 131 tuyến đường nông thôn bị sạt lở; 65 cột điện bị gãy, đổ; 28 điểm trường bị hư hỏng, ngập nước, tốc mái... Ước thiệt hại ban đầu khoảng 530 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Cao Bằng cảm ơn sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trực tiếp thăm, động viên, chỉ đạo tỉnh Cao Bằng khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3. Các bộ, ban, ngành Trung ương; các tỉnh, Thành phố, các công ty, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, người dân trên cả nước đã quan tâm, chia sẻ, động viên, hỗ trợ Cao Bằng. Tỉnh thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương trong công tác ứng phó, phòng, chống thiên tai; công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn tỉnh; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; thực hiện phương châm “4 tại chỗ”... qua đó, góp phần giảm thiểu các thiệt hại gây ra. Hiện nay, tỉnh đang tập trung sơ tán, di chuyển người dân khỏi khu vực nguy hiểm; tìm kiếm những người mất tích; cứu chữa người bị thương; lo hậu sự chu đáo cho những người đã thiệt mạng do bão lũ.

Tỉnh kiến nghị: Bộ Giao thông Vận tải sớm có giải pháp, tập trung nhân lực, vật lực, đầu tư kinh phí khắc phục sớm 2 tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 3, Quốc lộ 34; lắp biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao. Cao Bằng sẽ tiếp trục triển khai những nội dung theo chỉ đạo, đang thiếu nguồn kinh phí, mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành giúp đỡ, hỗ trợ tỉnh để sớm khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự tích cực, trách nhiệm, chủ động của các bộ, ngành và các tỉnh, Thành phố đã nỗ lực triển khai các biện pháp ứng phó, góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão số 3 gây ra. Thủ tướng Chính phủ cảm ơn sự ủng hộ của nhân dân tham gia khắc phục hậu quả của bão, lũ với tinh thần tin tưởng vào Đảng và Nhà nước trong việc xử lý các tình huống thiên tai.

Với mục tiêu không để nhân dân thiếu chỗ ăn, chỗ ở; khôi phục sản xuất kinh doanh; ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, thời gian tới, đề nghị các bộ, ngành địa phương tập trung một số giải pháp cấp bách như: Tìm kiếm người mất tích; cứu chữa người bệnh, đảm bảo lương thực cho nhân dân; thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường; đảm bảo hệ thống thông tin thông suốt; ổn định trường lớp để các cháu học sinh sớm được đến trường...

Về giải pháp ổn định đời sống, rà soát chính xác những thiệt hại về người và tài sản; kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ; chậm nhất 31/12/2024 phải hoàn thành xong công tác hỗ trợ về nhà ở an toàn cho những hộ dân thiệt hại về nhà ở; xây dựng kế hoạch tái thiết các bản, làng, khu tái định cư an toàn; miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên vùng bị ảnh hưởng.

Về nhóm giải pháp khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh: Thống kê thiệt hại, đề xuất giải pháp khôi phục các loại hình dịch vụ, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, giãn đoạn các đơn hàng sản xuất; tăng cường các loại hình giao thông vận tải, giảm giá cước đảm bảo chuỗi lưu thông hàng hóa thông suốt. Các ngân hàng đảm bảo an ninh tiền tệ; hỗ trợ người dân sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy đầu tư công; đẩy mạnh khai thác khoáng sản; đảm bảo thu ngân sách cho Nhà nước, đảm bảo cung ứng điện, nước, xăng dầu, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất - kinh doanh; kiểm soát lạm phát; ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng; đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu; tái cơ cấu các ngành nông nghiệp; xây dựng một số đề án về phòng chống sạt lở; sụt lún; đề án thương mại tự do; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế; ổn định tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.

Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành địa phương tập trung trí tuệ, quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp một cách hiệu quả. Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, "lá lành đùm lá rách" tất cả vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.

M.A

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-chu-tri-hoi-nghi-khac-phuc-hau-qua-bao-so-3-khoi-phuc-san-xuat-kinh-doanh--3172113.html