Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai một số luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV

* Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự và đồng chủ trì Hội nghị. Ngày 30.7, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ phối hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt triển khai một số luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng dự và chủ trì Hội nghị có: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long.

Chính phủ tổ chức 28 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, ban hành hơn 380 nghị định

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Chính phủ xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm và tập trung thực hiện đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện thể chế đến tổ chức thi hành pháp luật; và xác định đầu tư cho công tác thể chế là đầu tư cho phát triển; hoàn thiện thể chế để khơi thông, thúc đẩy các đột phá khác, nhất là về hạ tầng.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 28 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật; ban hành hơn 380 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành gần 90 quyết định quy phạm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Tại các kỳ họp, Quốc hội Khóa XV đã thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết, trong đó có nhiều luật, nghị quyết quan trọng như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đường bộ, các nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố…

Riêng tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội đã thông qua 11 luật, 2 nghị quyết quy phạm; 1 Nghị quyết về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và 9 Nghị quyết điều hành kinh tế-xã hội.

Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng ban hành luật, nghị quyết đã khó, việc đưa các văn bản này đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng còn khó khăn hơn. Thời gian qua, công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn những vấn đề cần phải điều chỉnh nhiều hơn để khơi thông mọi nguồn lực cho sự phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt là những lĩnh vực liên quan động lực tăng trưởng mới, như chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ mà cả thế giới đang hướng tới và chúng ta phải đi theo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tế là đòi hỏi khách quan. Chính vì vậy, việc tổ chức hội nghị là hết sức đúng đắn, cần thiết. Thủ tướng đề nghị tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu để đưa các luật, nghị quyết mới ban hành vào cuộc sống.

Thủ tướng cũng điểm một số kết quả đạt được và khó khăn trong quá trình triển khai một số Luật đã được Quốc hội thông qua trong Khóa XV này; lắng nghe ý kiến các bộ, ngành, địa phương về những thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong thực tế cũng như quá trình triển khai thực hiện; đặc biệt là rút kinh nghiệm trong quá trình này để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ. Ảnh: Nhật Bắc

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ. Ảnh: Nhật Bắc

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã trình bày báo cáo, phát biểu về công tác triển khai thi hành Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; thực hiện Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27.6.2024 của Ban Chấp hành Trung ương về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; công tác triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Các ý kiến cũng thảo luận về một số nội dung trọng tâm và việc chuẩn bị nguồn lực thi hành Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Thủ đô; công tác chuẩn bị, kết quả tổ chức triển khai thi hành và những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội…

Quốc hội thông qua 11 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu với 11 dự án luật khác

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác. Với tổng số 43 dự án luật, dự thảo nghị quyết xem xét trong một kỳ họp là số lượng rất lớn so với các kỳ họp trước.

Trong tổng số 11 luật và 3 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy, có 412 nội dung giao các cơ quan ở Trung ương và địa phương quy định chi tiết. Nếu tính riêng 10 luật thì có 398 nội dung giao quy định chi tiết, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá rất cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ trong việc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị, đã ban hành cơ bản đầy đủ các nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản để có hiệu lực đồng thời từ ngày 1.8.2024. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số văn bản, nhất là văn bản của một số chính quyền địa phương cấp tỉnh cần khẩn trương ban hành để quy định các nội dung được Luật Đất đai, Luật Nhà ở giao.

Chương trình lập pháp 6 tháng cuối năm 2024 và năm 2025 rất nặng, trong đó riêng Kỳ họp thứ Tám có 25 dự án luật (12 dự án trình Quốc hội thông qua và 13 dự án cho ý kiến), chưa kể các nghị quyết và có thể còn bổ sung nữa. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là số lượng dự án luật lớn nhất được trình Quốc hội trong một kỳ họp, tính từ đầu nhiệm kỳ.

Đối với Chương trình năm 2025 hiện có 23 dự án luật, tập trung vào Kỳ họp thứ Chín với 13 dự án thông qua và 10 dự án cho ý kiến; và đến Kỳ họp thứ Mười sẽ thông qua 10 dự án luật này (hiện nay Chính phủ chưa có đề xuất dự án luật nào dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Mười).

Ngoài các nội dung chính nêu trên, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tổng kết thực hiện Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Trên cơ sở kết quả tổng kết và căn cứ chủ trương, định hướng của Đảng và nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực, đề nghị các cơ quan đề xuất các nhiệm vụ lập pháp cần thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XVI (2026 - 2031), làm cơ sở cho việc tổng hợp, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền quyết định Định hướng chương trình lập pháp cho nhiệm kỳ tới.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có sáng kiến thành lập Ban Chỉ đạo để tiếp tục rà soát, xử lý vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được chỉ ra tại các Báo cáo của Chính phủ về rà soát pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, Chính phủ cũng đang nỗ lực rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội.

Tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua, các đại biểu Quốc hội rất hoan nghênh và đánh giá cao sự chủ động của Chính phủ. Đây cũng là một trong các nhiệm vụ mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã giao, đồng thời là trách nhiệm chung của các cơ quan trong hệ thống chính trị, không chỉ riêng của Chính phủ hay của các cơ quan trực tiếp ban hành văn bản.

Trước mắt, trên cơ sở kết quả rà soát đã báo cáo Quốc hội, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan đề xuất, thống nhất phương án xử lý ngay các vướng mắc, bất cập, nhất là các điểm nghẽn tại một số luật nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn lực cho phát triển. Trường hợp cần thiết, có thể xem xét, đề nghị Quốc hội ban hành một luật sửa đổi, bổ sung một số luật theo trình tự, thủ tục rút gọn để kịp thời xử lý các vướng mắc đã được chỉ ra, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Hội nghị được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: Nhật Bắc

Hội nghị được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: Nhật Bắc

Trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ phối hợp với Chính phủ tổ chức "Diễn đàn pháp luật" để trao đổi, đối thoại, thảo luận các vấn đề lớn về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực hiện có hiệu quả hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới cũng như các giải pháp tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật gắn với việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng Đề án đổi mới quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả như Nghị quyết số 27 của Trung ương đã giao.

Để chuẩn bị cho Diễn đàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan của Chính phủ, cơ quan khác có liên quan lắng nghe, nắm bắt ý kiến của các chuyên gia, tổ chức, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhằm lựa chọn kỹ lưỡng chủ đề, nội dung, phương thức tổ chức…, bảo đảm hiệu quả, thiết thực.

"Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, cơ quan có liên quan phối hợp để chuẩn bị tổ chức thành công Diễn đàn quan trọng này", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 60 Luật, Nghị quyết quy phạm; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành khoảng 470 Nghị định, Quyết định quy phạm.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, các bộ đã trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến 35 dự án luật, dự thảo, đề nghị xây dựng luật, nghị quyết; Chính phủ ban hành 75 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 quyết định quy phạm pháp luật.

Chính phủ cũng đã ban hành 131 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 645 quyết định cá biệt, 19 chỉ thị, 64 công điện và 8.398 văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan.

CHÍ TUẤN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/su-kien-noi-bat/thu-tuong-pham-minh-chinh-chu-tri-hoi-nghi-quan-triet-trien-khai-mot-so-luat-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-khoa-xv-i382476/