Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Chiều 10/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) chủ trì phiên họp thứ 9 của Ủy ban và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Phiên họp được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến các tỉnh, Thành phố trong cả nước.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 chủ trì; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh.

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, 6 tháng đầu năm, Ủy ban Quốc gia về CĐS, các Ban chỉ đạo về CĐS các bộ, ngành, địa phương được đẩy mạnh hoạt động, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành CĐS. Đến nay, có 12/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 43/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024; 19 bộ, ngành, địa phương có kế hoạch thực hiện kiểm tra giám sát CĐS.

Về quản trị số: Lần đầu tiên sau hơn 20 năm, việc giám sát, đo lường dịch vụ công (DVC) trực tuyến được thực hiện tự động, online; hệ thống giải quyết TTHC được thực hiện đánh giá chất lượng online. Lần đầu tiên Việt Nam đo lường chất lượng mạng viễn thông di động và băng rộng cố định trực tuyến bằng công cụ Make in Vietnam; giao dịch chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng, hệ thống thông tin qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia tăng mạnh 67% so cùng kỳ năm 2023.

Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu theo Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia năm 2024: Phát triển doanh nghiệp công nghệ số đạt 50.350 doanh nghiệp/mục tiêu 48.000 doanh nghiệp, đạt 104,9%); triển khai DVC thiết yếu 43/53 dịch vụ, đạt 81,1%.

Về phát triển dữ liệu số, các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia thường xuyên được phát triển, tạo lập, chia sẻ, khai thác dữ liệu tốt, hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp. Thực hiện đồng bộ, làm sạch dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, trong cung cấp dịch vụ cho người dân như Bảo hiểm xã hội, Y tế, Ngân hàng, Giao thông vận tải; với việc triển khai CSDL đất đai quốc gia, các địa phương đã từng bước sử dụng làm công cụ quản lý đất đai, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân.

Về phát triển hạ tầng số, hạ tầng cáp quang với trên 1 triệu km được triển khai đến tận thôn, bản, xã, phường trên cả nước; 100% xã, phường, thị trấn kết nối Internet cáp quang; phủ sóng di động 4G tới 99,8% dân số tại tất cả các vùng miền của tổ quốc và 100% các xã, phường trên cả nước. Tuy nhiên, số điểm lõm sóng vẫn còn cao, phủ sóng di động chỉ đạt 256 điểm/tổng số 1077 điểm lõm sóng.

Về phát triển chính phủ số, 48% TTHC được cung cấp dưới dạng DVC trực tuyến toàn trình; 61% hồ sơ nộp trực tuyến đối với các DVC trực tuyến toàn trình của các bộ, ngành; cấp tỉnh, thành phố đạt 17%. 17/20 bộ, ngành đã công bố danh mục TTHC thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện DVC trực tuyến toàn trình để tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn quốc.

Về phát triển kinh tế số và xã hội số, tăng trưởng kinh tế số 6 tháng đầu năm đạt khoảng 22,4%; tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%. Kinh tế số ICT chiếm khoảng 60% tổng kinh tế số; kinh tế số ngành, lĩnh vực chiếm khoảng 40%. Bộ Công an cấp trên 86,3 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp cho 100% công dân có đủ điều kiện trên địa bàn toàn quốc; thu nhận trên 75,7 triệu hồ sơ định danh điện tử. 87,08% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán. Việt Nam tiếp tục giữ thứ hạng 11 toàn cầu về số lượng lượt tải ứng dụng di động và thứ hạng 31 toàn cầu về doanh thu thanh toán qua ứng dụng.

Cả nước có 19/21 bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hệ thống thông tin giải quyết TTHC kết nối toàn diện với Hệ thống EMC, đạt 97,6%. 100% các bộ, ngành đã sử dụng Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương nâng cao nhận thức vai trò, vị trí tầm quan trọng, sức ảnh hưởng của CĐS, trọng tâm là kinh tế số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể; xây dựng CSDL của bộ, ngành, địa phương kết nối với CSDL quốc gia. Tập trung ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về CĐS đã đề ra đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ.

Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, công tác CĐS phải triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ lộ trình, làm việc nào dứt việc đó, không dàn trải; phải có kết quả, sản phẩm cụ thể. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, đơn vị, “lắng nghe hơi thở của cuộc sống”; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, thực hiện phân cấp, phân quyền; bảo đảm an ninh, an toàn trên môi trường mạng; tăng hiệu quả sử dụng DVC trực tuyến của người dân; đẩy mạnh cắt giảm TTHC, chi phí tuân thủ... tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp.

An Lê

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-chu-tri-phien-hop-lan-thu-9-cua-uy-ban-quoc-gia-ve-chuyen-doi-so-3170554.html