Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đầu tư cho cải cách thủ tục hành chính là đầu tư cho phát triển

Sáng nay 19/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ 4 về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số và công bố chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng tham dự cuộc họp tại điểm cầu Quảng Trị.

Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: Q.H

Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: Q.H

Kết quả đạt được

Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng việc đẩy mạnh cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số quốc gia. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chiến lược, chương trình về cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược để đẩy mạnh công tác này.

Trong đó, nhiệm vụ quan trọng được xác định cần tập trung làm tốt là tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, chú trọng tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Tại Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030, yêu cầu đặt ra cho sự phát triển KT - XH đất nước là tập trung cải cách TTHC một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch.

Thời gian qua, các thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số quốc gia.

Việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC được chú trọng. Các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đã đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Công tác giải quyết TTHC được phân cấp một cách cụ thể. Các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đã thành công trong việc đơn giản hóa TTHC nội bộ.

Những nỗ lực kể trên đã mang lại kết quả quan trọng. Đến nay, có 25,9% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng, tăng 5 lần so với tháng 9/2022; 62,7% hồ sơ TTHC được số hóa, trong đó có 25% được số hóa toàn trình từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả, tăng 4 lần so với tháng 9/2022.

Cả nước có 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành thực hiện hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử. Cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. So với cùng kỳ năm 2022, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có hơn 6 triệu tài khoản đăng ký, tăng 3,8 lần; hơn 186 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, tăng hơn 1,7 lần; hơn 12,5 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ cổng, tăng hơn 3,8 lần; hơn 7,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 4,8 nghìn tỉ đồng, tăng gần 10 lần.

Cần chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số quốc gia. Cụ thể, công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp hiện vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”, gây cản trở cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

Một số bộ, ngành phản ứng chính sách còn chậm. Một bộ phận cán bộ, công chức xử lý văn bản, công việc chậm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, ảnh hưởng đến việc giải quyết hồ sơ, công việc của người dân và doanh nghiệp.

Để phát huy kết quả đạt được và khắc phục những điểm tồn tại, hạn chế cần tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực, tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đáp ứng tiêu chí theo quy định của Chính phủ; tập trung ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường rà soát, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế…

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu, trước tiên, cần thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo: “Đầu tư cho cải cách thủ tục hành chính là đầu tư cho phát triển”. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương và mỗi cá nhân, tập thể liên quan phải xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vô cùng cần thiết, không được lơ là.

Cùng với giao nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan cần chủ động ban hành các thông tư, đề xuất xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để tập trung cải cách hành chính, đặc biệt là TTHC đối với người dân và doanh nghiệp một cách thực chất, hiệu quả.

Chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan; cần phản ứng chính sách, xử lý các thủ tục, nhất là với người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả hơn nữa.

Cũng tại phiên họp, các cơ quan đã công bố kết quả chỉ số SIPAS và chỉ số PAR INDEX năm 2022. Theo đó, Quảng Trị đứng vị trí thứ 55 ở chỉ số SIPAS và vị trí 52 ở chỉ số PAR INDEX trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Q.H

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su/thu-tuong-pham-minh-chinh-nbsp-dau-tu-cho-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-la-dau-tu-cho-phat-trien/176225.htm