Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết năm 2024 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch

Sáng 18.12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề 'Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; lãnh đạo các địa phương.

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại trụ sở Chính phủ tới trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng hơn 770 điểm cầu tại UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND cấp huyện.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024

Văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, đây là năm đất nước ta thu được nhiều thắng lợi trên nhiều lĩnh vực, đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế...

Ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những cống hiến, đóng góp của toàn ngành cho sự phát triển chung của đất nước, Thủ tướng nhận định, trong năm qua, các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiều điểm sáng, nhất là việc tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa", đặc biệt là việc xây dựng hệ giá trị văn hóa để khẳng định văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước, đúng như tinh thần: văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất, văn hóa soi đường cho quốc dân đi...

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 và thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước như kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng, 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm Ngày thành lập Nước; phải rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ, đồng thời phải thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức; năm 2025 cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV thành công, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Thủ tướng nhấn mạnh, ngành văn hóa, thể thao và du lịch phải tập trung hoàn thiện thể chế vì thể chế cũng là điểm nghẽn của điểm nghẽn, đột phá của đột phá, nguồn lực cho sự phát triển; huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển; giảm thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ với tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", chấm dứt tình trạng xin - cho, bỏ tư duy “không quản được thì cấm”...

Cùng với đó, cần tập trung phát triển hạ tầng văn hóa, thể thao và du lịch, kết nối di tích lịch sử, văn hóa du lịch, các thiết chế văn hóa; ứng dụng hạ tầng số; phát triển trí tuệ nhân tạo của ngành, coi trọng phát triển hạ tầng số. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao phải có cơ chế, chính sách cho công tác đào tạo, đào tạo từ rất sớm, ngay từ nhỏ với các tài năng, năng khiếu.

Thủ tướng lưu ý, phải có cả cơ chế, chính sách chung cũng như các cơ chế chính sách đặc thù, giữ chân người tài; có những cơ chế, chính sách, chế tài khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, xử lý những người né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Ngành văn hóa, thể thao, du lịch phải chủ động, sáng tạo đề xuất các cơ chế, chính sách. Thể chế, cơ chế, chính sách cũng là biện pháp huy động nguồn lực. Muốn phát triển công nghiệp văn hóa và giải trí thì phải có nguồn lực. Phải huy động sức mạnh của xã hội, người dân, doanh nghiệp bằng cơ chế, chính sách thì mới phát triển được ngành, mới có ngành công nghiệp văn hóa và giải trí.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc quản trị ngành văn hóa, thể thao, du lịch phải thông minh, muốn thông minh thì phải có cơ sở dữ liệu của ngành. Do đó ngành phải đầu tư mạnh mẽ trí tuệ thông minh, biến những nguồn lực hiện có thành giá trị gia tăng cao hơn; xây dựng những điển hình tiên tiến, những cách làm hay, mô hình tốt để tạo phong trào, xu thế để phát triển.

Thủ tướng đề nghị, năm 2025, ngành văn hóa, thể thao, du lịch phải tăng tốc, bứt phá, kết quả cao hơn năm 2024, với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn; phát huy trí tuệ, bản lĩnh, coi trọng thời gian, quyết đoán, quyết liệt, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Thủ tướng mong muốn, ngành văn hóa, thể thao, du lịch tiếp tục phát huy những điểm sáng, truyền thống hào hùng để bước vào giai đoạn mới với khí thế, tâm thế, nguồn lực dồi dào.

Nhiều “điểm sáng” trên lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã điểm lại những dấu ấn trong các lĩnh vực công tác của toàn ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024.

 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Tiêu biểu như, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 70-KL/TW ngày 31.1.2024 về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, tạo nguồn lực quan trọng cho văn hóa phát triển theo quan điểm: Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 23.11.2024, có nhiều điểm mới, tạo thuận lợi cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, với mục tiêu “biến di sản thành tài sản”, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người văn hóa đi đúng hướng, lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đã được triển khai bài bản, từ làm điểm đến nhân rộng. 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng, phát triển được nhiều mô hình gìn giữ bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Các nội hàm về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, các phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam được thực hành và triển khai rộng khắp.

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa tiếp tục đạt thành tựu mới. Năm 2024 có thêm 9 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 32 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 55 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được ghi danh. Việt Nam có thêm 2 di sản được UNESCO ghi danh.

Đặc biệt, Công nghiệp văn hóa từ sau Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vào tháng 12.2023 đã có những dấu ấn đột phá với các chương trình có tầm vóc, sức thu hút và hiệu ứng xã hội lớn. Trong lĩnh vực điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn, đã có nhiều sản phẩm công nghiệp văn hóa đặc sắc, như Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, Liên hoan quốc tế nhạc Jazz lần thứ I - Nha Trang 2024, các đêm diễn “cháy vé” của chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi”... là những minh chứng sống động trong việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về việc đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

 Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại trụ sở Chính phủ tới trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng hơn 770 điểm cầu tại UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND cấp huyện

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại trụ sở Chính phủ tới trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng hơn 770 điểm cầu tại UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND cấp huyện

Thể thao thành tích cao giành được tổng số 482 HCV, 360 HCB, 372 HCĐ tại các giải thể thao quốc tế. Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lần đầu tiên giành huy chương đồng tại Cúp bóng chuyền nữ thế giới và lần thứ 2 giành huy chương vàng Cúp Bóng chuyền châu Á. Đội tuyển Futsal nữ Việt Nam xuất sắc đoạt chức vô địch Đông Nam Á.

Trong lĩnh vực du lịch, năm 2024, toàn ngành tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP và Chỉ thị số 08/CT-Tg của Thủ tướng Chính phủ, theo đó du lịch đã phục hồi tích cực sau đại dịch và được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả nổi bật thì ngành văn hóa, thể thao và du lịch còn nhiều khó khăn, hạn chế và mong muốn Hội nghị rút ra được nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, và quan trọng hơn phải nhận thức một cách thấu đáo những tồn tại, hạn chế, khu trú lại để làm rõ trách nhiệm của bộ, của ngành.

Tin H.Sen; Ảnh: Trần Huấn

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-du-hoi-nghi-tong-ket-nam-2024-cua-nganh-van-hoa-the-thao-va-du-lich-post399682.html