Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khai giảng năm học mới tại Học viện Quốc phòng
Sáng 22-9, Học viện Quốc phòng tổ chức Lễ khai giảng năm học 2021-2022. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đến dự và phát biểu chúc mừng.
Cùng dự lễ khai giảng tại Học viện Quốc phòng còn có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tổng Tham mưu trưởng.
Trình bày diễn văn tại lễ khai giảng, Thượng tướng, PGS, TS Trần Việt Khoa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng nhấn mạnh: Năm học 2020-2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Học viện Quốc phòng đã điều chỉnh kế hoạch, phương pháp tổ chức huấn luyện, chủ động ứng dụng công nghệ quản lý, công nghệ dạy học; tăng cường tập bài và huấn luyện bổ sung về công tác tham mưu; đổi mới hình thức, phương pháp tập bài, diễn tập, kiểm tra. Học viện đã hoàn thành tốt kế hoạch huấn luyện-đào tạo cho 24 lớp học tập trung, gồm 14 đối tượng với 657 học viên; phong trào “Dạy tốt, học tốt, nghiên cứu khoa học và công tác tốt” ngày càng lan tỏa mạnh; xây dựng được nhiều đề tài khoa học có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, nhất là các đề tài liên quan đến các chiến lược bảo vệ Tổ quốc và phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội XIII của Đảng, góp phần đổi mới tư duy, phát triển, hoàn thiện đường lối quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa…
Năm 2020, Học viện Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua đạt thành tích xuất sắc, tiêu biểu; Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cờ thi đua đơn vị tiêu biểu xuất sắc trong công tác giáo dục-đào tạo.
Theo chức năng, năm học 2021-2022, học viện được giao mở các lớp đào tạo cao cấp chỉ huy-tham mưu cấp chiến dịch-chiến lược; cao cấp ngắn hạn quân sự địa phương; cao cấp lý luận chính trị; hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng. Đồng thời, đào tạo cán bộ cho Quân đội nhân dân Lào, Quân đội Hoàng gia Campuchia... Để hoàn thành nhiệm vụ, học viện quyết tâm đi đầu trong thực hiện chủ trương “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị” của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Nâng cao chất lượng toàn diện công tác huấn luyện-đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với xu thế giáo dục-đào tạo hiện đại, gắn lý luận với thực tiễn; quyết liệt thực hiện “3 thực chất”, kiên quyết chống tiêu cực, bệnh thành tích trong giảng dạy, học tập, công tác.
Phát biểu tại lễ khai giảng của Học viện Quốc phòng, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Là một trung tâm huấn luyện-đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn của quân đội và của quốc gia, trải qua hơn 44 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, phát huy truyền thống “Trung thành, tận tụy, đoàn kết, sáng tạo”, Học viện Quốc phòng đã có những đóng góp quan trọng trong đào tạo cán bộ cấp chiến dịch-chiến lược cho quân đội; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước diện Trung ương quản lý và phát triển của khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam. Học viện đã tạo được bước chuyển quan trọng từ tư duy quân sự là chủ yếu sang tư duy quốc phòng, an ninh; nâng cao năng lực đào tạo từ đào tạo cán bộ chiến thuật-chiến dịch là chủ yếu lên đào tạo cán bộ chiến dịch-chiến lược.
Cùng với đó, trong những năm gần đây, Học viện Quốc phòng đã có nhiều chủ trương, biện pháp quyết liệt trong đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện-đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng những kết quả, thành tích mà Học viện Quốc phòng đã đạt được trong thời gian qua. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, xứng đáng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kiến thức quân sự, quốc phòng cao nhất của cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị trong thời gian tới, Học viện Quốc phòng tiếp tục quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết của Đại hội XIII và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình huấn luyện, đào tạo phù hợp với điều kiện tác chiến hiện nay, bảo đảm sâu sắc về lý luận, phong phú về thực tiễn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị, Học viện Quốc phòng cần phải linh hoạt, sáng tạo để đạt được mục tiêu kép: Huấn luyện-đào tạo đạt kết quả tốt và phòng, chống dịch tốt. Chủ động nghiên cứu, nắm chắc tình hình, nâng cao khả năng dự báo chiến lược, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng những vấn đề về quốc phòng, quân sự, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Học viện cũng cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, để phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo, xây dựng, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác với các học viện, các trường đại học, viện nghiên cứu quốc phòng các nước và nền giáo dục quốc phòng tiên tiến trên thế giới.
Đồng thời, chăm lo xây dựng Đảng bộ Học viện trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ gắn với xây dựng học viện chính quy, tiên tiến, mẫu mực tiêu biểu. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới. Tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên vững vàng về chính trị, tư tưởng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có tư duy chiến lược, có trí tuệ và năng lực thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Coi trọng nâng cao phẩm chất, năng lực, đạo đức người thầy, ngang tầm với vị trí, vai trò của học viện, phấn đấu phải có các chuyên gia đầu ngành có uy tín trong nước, khu vực; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa, môi trường sư phạm tiên tiến, mẫu mực, kiên quyết không để những biểu hiện tiêu cực xâm nhập vào học viện.