Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam

Sáng 12.10, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10) và tuyên dương doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Dương Giang

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Dương Giang

Cách đây 77 năm, ngày 13.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới Công thương và 18 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 13.10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Cộng đồng doanh nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh với hơn 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước, mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm khu vực và thế giới

Trong 2 năm 2020 - 2021, cùng với cả nước, các doanh nghiệp, doanh nhân phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19, nhưng nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã nêu tấm gương sáng về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, trách nhiệm xã hội khi vừa lo duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động, vừa lăn xả hỗ trợ công tác phòng, chống đại dịch, đóng góp quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những kết quả đạt được của đất nước trong thời gian qua là do sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự tham gia vào cuộc tích cực, hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhân dân; sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế. Đặc biệt có sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam - những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, tỏa sáng truyền thống “Tâm - Tài - Trí - Tín” của doanh nhân Việt Nam, kiên cường đồng hành với đất nước vượt qua khó khăn, thử thách và tận dụng thời cơ, thuận lợi để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả trong tình hình mới.

Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời khẳng định đây là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử của Cách mạng Việt Nam.

Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi…” và đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp sức cùng với đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp không ngừng phát triển cả về lượng và chất, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; cân đối, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đi đôi với xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, với bản lĩnh, trí tuệ, tài năng, khả năng sáng tạo, thích ứng, tầm nhìn, khát khao vươn lên, tinh thần đoàn kết của người Việt Nam, Đảng và Nhà nước cùng cộng đồng doanh nghiệp sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, đưa đất nước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững.

Tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp trao tặng danh hiệu cho 10 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu nhất. Ban Tổ chức đã tôn vinh và trao tặng danh hiệu doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022 cho 60 doanh nhân; đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trao tặng 16 căn nhà cho người dân huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vừa bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua; trao 212 nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở trên toàn quốc.

+ Chiều cùng ngày, nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Hun Sen, Thủ tưởng Chính phủ Phạm Minh Chính dự trực tuyến Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ hai.

Đây là hoạt động tiếp theo sau Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2020 do Việt Nam, Chủ tịch ASEAN khi đó chủ trì. Hội nghị nhằm mục tiêu tạo diễn đàn thảo luận ở cấp cao nhất về bình đẳng giới, tăng cường quyền năng cho phụ nữ, qua đó phát huy sức mạnh tiềm tàng, đặt phụ nữ vào trung tâm của các nỗ lực hợp tác và xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cam kết của Việt Nam trong hợp tác với các nước ASEAN để thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới, tăng cường quyền năng cho phụ nữ, đóng góp vào một tương lai ngày càng bền vững, bao trùm, tự cường của khu vực và trên thế giới

Chia sẻ một số giải pháp để khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng kinh doanh của phụ nữ trong xã hội, Thủ tướng nêu rõ: cần tạo điều kiện để các doanh nhân nữ đóng góp bền vững vào quá trình phát triển đất nước thông qua xây dựng hệ thống thể chế, pháp lý và chính sách đồng bộ làm nền tảng tạo dựng một môi trường kinh doanh có đáp ứng giới; khuyến khích phụ nữ tiếp cận, tham gia tích cực trong quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật. Lồng ghép giới cần được thực hiện một cách bao trùm ở mọi cấp độ - địa phương, quốc gia, khu vực - và trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, đặc biệt là trong những ngành nghề có sự tham gia của nhiều lao động nữ; đẩy mạnh nâng cao năng lực tự cường cho các doanh nghiệp và doanh nhân nữ để thích ứng với môi trường kinh doanh không ngừng biến động, nắm bắt trào lưu mới như phát triển kinh tế xanh và chuyển đổi số. Cùng với đó, cần cấp thiết đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng cho phụ nữ ở cả cấp độ quốc gia, khu vực, toàn cầu để có thể đạt được chuyển biến “từ nhận thức đến hành động” trong toàn xã hội, phát huy đầy đủ, mạnh mẽ tiềm năng của phụ nữ trong kinh doanh cũng như đóng góp vào xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững của ASEAN và thế giới.

Theo TTXVN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/su-kien-noi-bat/thu-tuong-pham-minh-chinh-du-ky-niem-ngay-doanh-nhan-viet-nam-i303562/