Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ

Chiều 21/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stéphanie D'Hose đang thăm Việt Nam từ ngày 21 - 25/8 theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stéphanie D'Hose. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stéphanie D'Hose. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Chào mừng Chủ tịch Stéphanie D'Hose thăm Việt Nam và nhắc lại ấn tượng tốt đẹp khi thăm Bỉ, trong đó có cuộc gặp giữa Thủ tướng với bà Chủ tịch, Thủ tướng cho rằng chuyến thăm của bà Chủ tịch tới Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược về nông nghiệp; cho biết, Chính phủ Việt Nam rất coi trọng việc tăng cường quan hệ ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả với Vương quốc Bỉ - thành viên sáng lập và có tiếng nói quan trọng trong Liên minh châu Âu.

Đánh giá về quan hệ hai nước trong thời gian qua, Thủ tướng cho biết, Bỉ luôn nằm trong các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong EU và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Bỉ trong ASEAN. Năm 2022, thương mại hai chiều đạt 4,73 tỷ USD.

Thủ tướng vui mừng nhận thấy hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Bỉ có những bước phát triển mới; tin tưởng sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa hai cơ quan lập pháp sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển quan hệ Việt Nam - Bỉ.

Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stéphanie D'Hose phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stéphanie D'Hose phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stéphanie D'Hose bày tỏ trân trọng tình cảm nồng ấm, sự đón tiếp trọng thị của Việt Nam nói chung và Thủ tướng Phạm Minh Chính nói riêng dành cho Bỉ và cá nhân bà; cho biết trong chuyến thăm này, mong muốn Nghị viện Bỉ và Quốc hội Việt Nam có cơ chế hợp tác cao hơn, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước, trong đó có việc xem xét tháo gỡ những rào cản thương mại, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo; mong muốn Việt Nam có chính sách thị thực, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân, doanh nghiệp Bỉ vào Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ ngày 15/8, Việt Nam chính thức miễn visa 45 ngày cho công dân một số nước được nhập cảnh Việt Nam theo quy chế miễn thị thực; Việt Nam ghi nhận đề nghị của Bỉ và sẽ tiếp tục thúc đẩy vấn đề này.

Để nâng cao tin cậy chính trị và mở rộng, làm sâu sắc hơn hợp tác giữa hai nước thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao; phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và quốc tế, nhất là trong các vấn đề cùng quan tâm như ngăn ngừa xung đột, gìn giữ hòa bình, biến đổi khí hậu...

Thủ tướng cho rằng hai bên tận dụng tối đa lợi thế của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), phấn đấu đưa kim ngạch thương mại sớm đạt 7 tỷ USD trong 2 - 3 năm tới; đề nghị Bỉ tiếp tục tạo điều kiện cho hàng thủy sản, nông sản truyền thống của Việt Nam, như gạo, cà phê và nông sản theo mùa của Việt Nam vào thị trường Bỉ và EU.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc hội kiến. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc hội kiến. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng cũng đề nghị Thượng viện Bỉ thúc đẩy để Nghị viện Liên bang Bỉ sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước; ủng hộ, thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ cảnh cáo thẻ vàng IUU của EC đối với hàng thủy hải sản Việt Nam.

Trân trọng việc Bỉ đã dành ODA cho Việt Nam, Thủ tướng đề nghị hai bên cần tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực trọng tâm như nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; đề nghị Bỉ hỗ trợ Việt Nam phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh và triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 hướng đến phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu thiết lập cơ chế hợp tác ba bên giữa Việt Nam, Bỉ và đối tác châu Phi nhằm ứng phó với vấn đề an ninh lương thực.

Là một trong những nước chịu ảnh hưởng mạnh nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam đề nghị Bỉ tăng cường hỗ trợ nguồn lực, tài chính, xây dựng thể chế và đào tạo nhân lực để thực hiện cam kết tại COP26, đồng thời có những dự án cụ thể giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển xanh và chống xâm nhập mặn.

Thủ tướng cảm ơn, đề nghị Chính phủ và Thượng viện Bỉ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam sinh sống, làm ăn và học tập ổn định tại Bỉ, góp phần phát huy vai trò cầu nối giữa hai nước; đề nghị phía Bỉ xem xét tăng số lượng học bổng đào tạo sau đại học cho Việt Nam nhất là trong các lĩnh vực Bỉ có thế mạnh như cơ sở hạ tầng giao thông, môi trường, du lịch…

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stéphanie D'Hose. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stéphanie D'Hose. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stéphanie D'Hose nhất trí cao với ý kiến của Thủ tướng; bày tỏ ấn tượng về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; cho rằng hai bên cần tiếp tục mở rộng trao đổi, đối thoại các cấp trên các lĩnh vực, đặc biệt tăng cường trao đổi đoàn cấp cao nhằm mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Bỉ; cho biết Nghị viện Liên bang Bỉ đang tích cực triển khai các bước, phấn đấu phê chuẩn EVIPA trước ngày 9/6/2024 khi Bỉ kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu; sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng, phát triển nông nghiệp, khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin…

Hai bên trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; chia sẻ về những khó khăn, mất mát do chiến tranh. Thủ tướng đề nghị Bỉ ủng hộ lập trường, quan điểm của ASEAN và Việt Nam về vấn đề Biển Đông, trong đó có việc bảo đảm an toàn, tự do hàng hải, hàng không; giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982; ủng hộ tiến trình đàm phán, xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả.

Phạm Tiếp (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/thu-tuong-pham-minh-chinh-hoi-kien-chu-tich-thuong-vien-vuong-quoc-bi-20230821175832467.htm