Thủ tướng Phạm Minh Chính: Huy động mọi nguồn lực cho giáo dục mầm non

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát, có cơ chế chính sách để huy động mọi nguồn lực cho giáo dục mầm non, nhất là chính sách về thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng; vấn đề xã hội hóa, kêu gọi sự đóng góp của người dân...

Sáng 4/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, chủ trì phiên họp của Ủy ban về "đổi mới phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

 Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, chủ trì phiên họp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, chủ trì phiên họp.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ giáo dục và đào tạo được Đảng, Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị và của toàn dân; với quan điểm xuyên suốt: Con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực, động lực phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần; nguồn vốn quý nhất, yếu tố quyết định là con người.

Đặc biệt, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã định hướng cần tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Mới đây nhất, Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có đề ra mục tiêu đến năm 2030 "Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi".

Những năm qua, giáo dục đào tạo đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển đất nước. Trong đó, giáo dục mầm non đã có những bước phát triển quan trọng về quy mô, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.

 Theo Thủ tướng, giáo dục mầm non đã có những bước phát triển quan trọng về quy mô, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.

Theo Thủ tướng, giáo dục mầm non đã có những bước phát triển quan trọng về quy mô, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục mầm non nói riêng vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được sớm khắc phục; còn những khó khăn, thách thức trước mắt cần sự nỗ lực lớn để vượt qua.

Nêu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người", Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục mầm non, hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo, với tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận tổng thể, bao trùm, có tính toàn dân, toàn diện, phù hợp với yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, tờ trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản phù hợp về đổi mới, phát triển giáo dục mầm non, trong đó nêu rõ căn cứ chính trị, pháp lý; đánh giá thực trạng hiện nay; đề xuất cơ chế, chính sách; rõ nội hàm đổi mới; rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan.

 Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Thủ tướng cho rằng, đổi mới và phát triển giáo dục mầm non phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp xu thế phát triển thời đại; phù hợp thực tiễn, hoàn cảnh đất nước trong bối cảnh hiện nay; tháo gỡ được các vướng mắc; đổi mới cách huy động nguồn lực, lấy hợp tác công tư là chính.

Để xử lý, giải quyết 3 điểm nghẽn, hạn chế của giáo dục mầm non (về nhân lực; về cơ sở vật chất; tiếp cận chưa bình đẳng về giáo dục mầm non, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát, có cơ chế chính sách để huy động mọi nguồn lực cho giáo dục mầm non, nhất là chính sách về thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng; vấn đề xã hội hóa, kêu gọi sự đóng góp của người dân; cơ chế, chính sách huy động nguồn lực con người và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giáo dục mầm non, như vấn đề biên chế giáo viên…

Các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để hoàn thiện các văn bản, trên tinh thần "cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; cái gì chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn nhưng không nóng vội".

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-huy-dong-moi-nguon-luc-cho-giao-duc-mam-non-post290478.html