Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Australia và New Zealand

Sáng 12/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Australia, thăm chính thức Australia và New Zealand từ ngày 5 -11/3.

Với hơn 50 hoạt động, chuyến công tác đạt những kết quả rất quan trọng, toàn diện cả song phương và đa phương, vừa có ý nghĩa lâu dài trong phát huy giá trị chiến lược các mối quan hệ, vừa đạt những kết quả cụ thể, thiết thực, đo lường được.

Trong thời gian chuyến đi (từ ngày 5 đến 11/3), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có một loạt hoạt động hiệu quả, cho thấy vai trò và vị thế của Việt Nam trong ASEAN, góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ Việt Nam với Australia và New Zealand.

Dấu mốc mới trong quan hệ giữa Việt Nam với Australia và New Zealand

Ngay sau khi tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Australia, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức thành công về mọi mặt tới Australia và New Zealand, hai Đối tác Chiến lược của Việt Nam ở Nam Thái Bình Dương.

Đây cũng là các chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới 2 nước trên cương vị mới và là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sau 7 năm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese trao đổi tuyên bố về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese trao đổi tuyên bố về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hai nước đã dành cho Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phu nhân và đoàn Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, thân tình, chu đáo, nghi lễ ngoại giao cao nhất dành cho người đứng đầu Chính phủ.

Tại Australia, điểm nổi bật nhất của chuyến thăm là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng Thủ tướng Australia Anthony Albanese công bố nâng cấp quan hệ Việt Nam - Australia lên Đối tác Chiến lược toàn diện - đưa lịch sử quan hệ song phương bước sang một chương mới. Australia trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện thứ 7 của Việt Nam.

Hai Thủ tướng đã nhất trí phối hợp chặt chẽ để thực hiện 6 phương hướng lớn, cũng là “6 điểm hơn” của khuôn khổ quan hệ mới, bao gồm: Thứ nhất, tin cậy chính trị, ngoại giao cao hơn, chiến lược hơn; thứ hai, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bao trùm, thực chất, hiệu quả hơn, tận dụng các tiềm năng của của hai nền kinh tế có tính bổ trợ cao; thứ ba, thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn; thứ tư, hợp tác văn hóa, giáo dục - đào tạo, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn diện, sâu sắc hơn; thứ năm, giao lưu nhân dân, kết nối giữa các thế hệ rộng mở và chân thành hơn; thứ sáu, hiểu biết, thông cảm và chia sẻ nhiều hơn về hợp tác an ninh, quốc phòng…

Tại New Zealand, Thủ tướng đã có cuộc hội đàm sâu rộng, đặc biệt và rất thành công với Thủ tướng Christopher Luxon. Hai bên đã thống nhất các phương hướng lớn làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực, được bao quát trong ba cặp từ khóa “ổn định và củng cố”, “tăng cường và mở rộng”, “tăng tốc và bứt phá”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Thủ tướng Anthony Albanese trò chuyện với các cháu học sinh thăm quan tòa nhà Quốc hội Australia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Thủ tướng Anthony Albanese trò chuyện với các cháu học sinh thăm quan tòa nhà Quốc hội Australia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ nhất, ổn định và củng cố tin cậy chính trị, lòng tin chiến lược, hợp tác chính trị, ngoại giao, tạo nền tảng vững chắc hơn cho quan hệ song phương.

Thứ hai, tăng cường và mở rộng hợp tác trên tất cả các trụ cột hợp tác quan trọng của quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước, gồm kinh tế - thương mại - đầu tư, an ninh quốc phòng, nông nghiệp, văn hóa và giao lưu nhân dân, kết nối địa phương. Trong đó, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 2 tỷ USD trong năm 2024 và sớm tăng gấp đôi đầu tư hai chiều.

Thứ ba, tăng tốc và bứt phá trong 3 lĩnh vực gồm: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường, giảm phát thải, phát triển nông nghiệp, các ngành công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), chíp bán dẫn...; kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển; hợp tác lao động, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho lao động của Việt Nam sang làm việc tại New Zealand.

Thủ tướng cũng đã hội kiến với Toàn quyền Cindy Kiro, Chủ tịch Quốc hội Gerry Brownlee, dự diễn đàn doanh nghiệp, thăm và làm việc với một số cơ sở nghiên cứu, đào tạo hàng đầu, tiếp Hội Hữu nghị New Zealand - Việt Nam.

Từ trái tim tới trái tim

Ngoài mục tiêu phát huy các lợi thế có thể bổ sung cho nhau giữa Việt Nam và hai nước, như New Zealand và Australia đều là những quốc gia “đất rộng người thưa” còn Việt Nam “đất chật người đông” hơn, một điểm nhấn chung rất quan trọng trong chuyến thăm tới cả hai nước là sự tin cậy về chính trị được nâng lên, sự chia sẻ nhiều giá trị tương đồng và tình cảm gần gũi, nồng ấm, chân thành, từ trái tim tới trái tim. Có thể nói đây là điều quan trọng nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng bà con người Việt tại sân bay Canberra - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng bà con người Việt tại sân bay Canberra - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với sự chân thành, tin cậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ, giới thiệu với Australia, New Zealand và bạn bè quốc tế về những yếu tố nền tảng, định hướng lớn trong bảo vệ, xây dựng đất nước, phát triển, hội nhập của Việt Nam, đặc biệt là trường phái “ngoại giao cây tre” mang đậm bản sắc truyền thống văn hóa, lịch sử Việt Nam theo đúc kết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thế giới ngày nay đang đối mặt với những thách thức lớn, nhất là 5 yếu tố: Biến đổi khí hậu, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số và đói nghèo. Quan hệ quốc tế hiện nay nổi lên 6 mâu thuẫn lớn: giữa chiến tranh và hòa bình; giữa cạnh tranh và hợp tác; giữa mở cửa, hội nhập và độc lập, tự chủ; giữa đoàn kết, liên kết và phân tách, phân tuyến; giữa phát triển và tụt hậu; giữa tự chủ và phụ thuộc.

Thế giới và khu vực đang trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc với đặc trưng là tình hình diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, rủi ro và bất ổn gia tăng, trong khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là các công nghệ đột phá đã và đang làm thay đổi thế giới, buộc mọi chủ thể đều phải thích ứng, thay đổi. Và không ở nơi đâu trên thế giới, những thay đổi sâu sắc của tình hình quốc tế lại thể hiện rõ nét như ở châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức New Zealand theo nghi thức cao nhất - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức New Zealand theo nghi thức cao nhất - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nêu rõ, định hướng chủ đạo trong quan hệ quốc tế của Việt Nam là: Lấy sự chân thành làm cơ sở để thúc đẩy đối thoại, củng cố lòng tin vì các mối quan hệ bền vững, lâu dài; chủ động đóng góp vào các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.

Đề cao đoàn kết, hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương, tôn trọng và tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung; đẩy mạnh tư duy “hợp tác cùng thắng, cùng có lợi” thay vì tư duy “thắng - thua”; lấy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển làm mục tiêu; lấy Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế làm nền tảng.

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; chủ động thích ứng; nâng cao năng lực nội sinh, năng lực tự thân, tính tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên của các quốc gia, khu vực…

Nhiều kết quả cụ thể, thiết thực

Trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc tiếp, tọa đàm, thúc đẩy các doanh nghiệp, tập đoàn lớn hàng đầu của thế giới và hai nước đẩy mạnh, mở rộng đầu tư, hợp tác với Việt Nam. Các bộ, ngành Việt Nam - Australia đã ký kết 13 văn kiện hợp tác, trong khi Việt Nam - New Zealand ký kết ba văn kiện; các trường đại học Việt Nam và hai nước cũng đạt được 13 thỏa thuận hợp tác.

Cán bộ Đại sứ quán và kiều bào Việt Nam tại New Zealand chào đón Thủ tướng và Phu nhân Lê Thị Bích Trân, cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cán bộ Đại sứ quán và kiều bào Việt Nam tại New Zealand chào đón Thủ tướng và Phu nhân Lê Thị Bích Trân, cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chuyến thăm hai nước cũng đã đạt nhiều kết quả thiết thực. Đơn cử, Thủ tướng Australia thông báo các thỏa thuận tạo điều kiện cho 1.000 lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp của Australia, dự kiến bắt đầu đến nước này ngay trong năm nay.

Thủ tướng New Zealand công bố khoản viện trợ mới trị giá hơn 6 triệu đô la New Zealand cho lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Tập đoàn giáo dục Kalandra muốn cung cấp 1.000 học bổng đào tạo ngành điều dưỡng cho phía Việt Nam…

Cũng nhân chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp một số hội Việt kiều, gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt tại Australia và New Zealand. Các cuộc gặp mặt diễn ra trong không khí hết sức thân tình, gần gũi, chân thành, không có khoảng cách giữa đoàn công tác với những người con xa Tổ quốc.

Người đứng đầu Chính phủ khuyến khích đại biểu phát biểu, nêu rõ hết các thuận lợi, khó khăn trong công việc và cuộc sống ở nước sở tại để Chính phủ biết, hiểu và chia sẻ. Thủ tướng chú ý lắng nghe tất cả các ý kiến và trả lời cặn kẽ, không né tránh bất kỳ câu hỏi nào. Nhiều đại biểu bày tỏ, chính sự cởi mở, gần gũi của Thủ tướng đã giúp họ có động lực, mạnh dạn nói lên ý kiến của mình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị New Zealand và Australia quan tâm và tiếp tục tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống và học tập; xem xét, công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số ở mỗi nước. Phía Australia và New Zealand đều đánh giá cao cộng đồng người Việt đã chung tay góp sức xây dựng hai đất nước, góp phần làm giàu thêm bản sắc dân tộc, văn hóa của hai quốc gia.

Với những kết quả đạt được, chuyến công tác lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trước các vấn đề khu vực và quốc tế, phát huy vị thế, vai trò Việt Nam trong ASEAN, trong quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện ASEAN - Australia; đồng thời có ý nghĩa quan trọng đánh dấu cột mốc nâng tầm quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác Chiến lược toàn diện và củng cố, tăng cường Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand.

P.Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-ket-thuc-tot-dep-chuyen-cong-tac-tai-australia-va-new-zealand-167465.html