Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khi đầu tư vào Gia Lai hãy yêu mảnh đất này

Đây là phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Gia Lai năm 2022 diễn ra chiều 21/5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022.

5 năm kêu gọi được 265 dự án

Ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, giai đoạn 2016 - 2021, địa phương kêu gọi được 265 dự án, tập trung các lĩnh vực: Xây dựng cơ sở hạ tầng (58 dự án); công nghiệp chế biến (44 dự án); năng lượng tái tạo (95 dự án); nông nghiệp (41 dự án); thương mại, dịch vụ, du lịch (27 dự án).

Về công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, tỉnh Gia Lai đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, quảng bá kêu gọi đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau (trong và ngoài nước). Tỉnh Gia Lai cũng tiếp nhiều nhà đầu tư chiến lược về phát triển, có năng lực về tài chính đến nghiên cứu, tìm hiểu và xúc tiến đầu tư, hợp tác trên các lĩnh vực: Xây dựng cơ sở hạ tầng; Nông nghiệp công nghệ cao; Sản xuất và chế biến nông nghiệp (trà, cà phê); Du lịch, thể thao; Năng lượng tái tạo và xuất khẩu lao động…

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Gia Lai đã thu hút được 515 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 830.000 tỷ đồng, tăng gấp 5 về số dự án và 36 lần tổng mức đầu tư so với giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, có 237 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký là 65.900 tỷ đồng.

Cụ thể, lĩnh vực nông lâm nghiệp có 31 dự án, vốn đầu tư 2.314 tỷ đồng; Công nghiệp chế biến, khoáng sản là 141 dự án, vốn đầu tư 8.690 tỷ đồng; Thương mại dịch vụ, y tế, giáo dục có 24 dự án, vốn đầu tư 1.231 tỷ đồng; Kết cấu hạ tầng kỹ thuật có 17 dự án, vốn đầu tư 1.565 tỷ đồng;

Trao 17 quyết định chủ trương đầu tư, tổng vốn 15.000 tỷ đồng

Riêng lĩnh vực điện có 24 dự án, vốn đầu tư 52.100 tỷ đồng. Trong đó, điện gió 17 dự án, công suất 1.242 MW, vốn đầu tư 46.028 tỷ đồng. Hiện nay có 11 dự án điện gió với tổng công suất 563 MW hoàn thành, đi vào vận hành thương mại; Điện mặt trời 3 dự án với công suất 138 MW, vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng, hiện nay đã có 2 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động, công suất 64 MW.

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai (bên trái) ký bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai (bên trái) ký bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp.

Riêng trong năm 2021, có 60 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 29.000 tỷ đồng, 172 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm, đề xuất với tổng vốn đăng ký khoảng 67.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có hơn 100 dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) với công suất hơn 15.000MW, tổng vốn đầu tư ước hơn 500.000 tỷ đồng, đang chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vào quy hoạch điện để có cơ sở triển khai thực hiện.

Đến nay, nhiều tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước đã có mặt tại tỉnh Gia Lai với các dự án đầu tư quy mô lớn như: Tập đoàn Golf Long Thành; Tập đoàn Trung Nam; Công ty TNHH Meiwa Việt Nam thuộc Tập đoàn Meiwa Nhật Bản; Công ty KEPCO KDN thuộc Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc, KOVECA (Hàn Quốc)…

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư diễn ra ngày 21/5/2022, UBND tỉnh Gia Lai đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng. Tập trung các lĩnh vực: Nông nghiệp 11 dự án, tổng vốn 1.700 tỷ đồng; Công nghiệp 3 dự án, tổng vốn 11.200 tỷ đồng; Y tế 1 dự án, vốn đăng ký 400 tỷ đồng; Xây dựng, bất động sản 2 dự án, tổng vốn 1.700 tỷ đồng.

Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai cũng ký 29 bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký 115.356 tỷ đồng. Các lĩnh vực như: 6 dự án nông nghiệp với tổng vốn đăng ký 4.255 tỷ đồng; 12 dự án cơ sở hạ tầng với tổng vốn đăng ký 72.061 tỷ đồng; 8 dự án công nghiệp với tổng vốn đăng ký 20.850 tỷ đồng; 5 dự án du lịch với tổng vốn đăng ký 26.700 tỷ đồng.

Cần tận dụng nguồn lực bên trong và bên ngoài

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Gia Lai phải xây dựng được đường lối phát triển kinh tế độc lập, tự chủ, dựa vào sức mình là chính và đây là chiến lược lâu dài.

Ngoài nguồn lực con người, chúng ta còn có nguồn lực thiên nhiên, đất đai, rừng, biển, vùng trời. Nhưng vùng trời này phải tự do, phải đảm bảo chủ quyền thì chúng ta mới phát triển. Nguồn lực thứ ba là truyền thống lịch sử, văn hóa, nên kẻ thù thua chúng ta vì họ không hiểu văn hóa của người Việt Nam.

Ngoài việc chỉ rõ những nguồn lực từ bên trong, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị phải tranh thủ nguồn lực bên ngoài, và nguồn lực này phải thường xuyên được huy động khi nguồn lực bên trong không đủ. Nội lực và ngoại lực phải có mối quan hệ biện chứng, kết hợp hài hòa với nhau. Gia Lai có nhiều tiềm năng chưa sử dụng hết, có không gian văn hóa cồng chiêng, đất đai màu mỡ, sân bay, đường biên giới…, nông nghiệp khá phát triển nhưng cũng cần phát triển công nghiệp, nhưng chúng ta không hy sinh môi trường để chạy theo phát triển kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu tỉnh Gia Lai phải có quy hoạch, vì Gia Lai không thể như tỉnh Kon Tum hay tỉnh Quảng Ngãi, nên cần quy hoạch để tạo đột phá. Tiếp đến là phải phát triển hạ tầng (giao thông, kinh tế, y tế, văn hóa…), có phát triển hạ tầng, từ đó mới tạo ra công ăn việc làm cho người dân, doanh nghiệp, khi có đường sá lúc đó mới có các khu đô thị, khu công nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh Gia Lai cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo con người, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng làm sao cho đa chiều, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng (năng lượng gió, năng lượng xanh - sạch, phát triển kinh tế số…).

Thủ tướng cũng mong muốn các doanh nghiệp khi đầu tư vào Gia Lai cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung khai thác Gia Lai nhưng cần đa dạng hóa công nghệ, phát triển công nghệ cao, công nghệ sạch - xanh. Các doanh nghiệp khi đầu tư vào Gia Lai hãy có cảm xúc yêu quý mảnh đất này, hãy yêu quý con người Gia Lai, cảm nhận được những gì tốt đẹp của con người Gia Lai thì việc đầu tư mới lâu dài.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành phải có trách nhiệm đồng hành với tỉnh Gia Lai, cùng với Gia Lai hợp tác, giúp đỡ nhau chân thành, tin tưởng có trách nhiệm, không được hạch sách, không tiêu cực, không có nạn chạy chọt, khi đã hứa giúp đỡ tỉnh thì phải làm cho xong.

80 dự án chưa có nhà đầu tư quan tâm

UBND tỉnh Gia Lai cũng đưa ra danh mục 80 dự án chưa có nhà đầu tư quan tâm. Trong đó lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng có 40 dự án, như: Dự án khu dân cư đô thị mới, dự án xây dựng chợ của hàng loạt xã.

Đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến nông lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng có 10 dự án, như: Chế biến tinh bột mì, chưng cất tinh dầu, xử lý rác thải…

Ở lĩnh vực nông nghiệp có 8 dự án tập trung ngành nghề giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; Chăn nuôi heo tập trung công nghiệp cao.

Trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch có 20 dự án, tập trung kêu gọi đầu tư các khu du lịch sinh thái, xây dựng khu liên hợp thể thao…

Tân Tiến

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-khi-dau-tu-vao-gia-lai-hay-yeu-manh-dat-nay.html