Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để người dân chạy khắp nơi cầu cứu
Ngày 27/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Bình Dương và Đồng Nai.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 kiểm tra gói an sinh cấp cho người dân tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương
Đến 15/9 phải kiểm soát được dịch
Thủ tướng yêu cầu Bình Dương phải dồn lực lượng để nhanh chóng kiểm soát dịch. “Tôi đề nghị Bình Dương bằng mọi cách, chậm nhất đến ngày 15/9 phải kiểm soát được dịch bệnh, trở lại trạng thái bình thường mới”, Thủ tướng nói. Thủ tướng đề nghị Bình Dương phải lấy xã, phường, nhà máy, xí nghiệp là pháo đài, người dân là chiến sĩ. Pháo đài phải được thực hiện theo phương châm dân cần là đáp.
“Phải thành lập trung tâm tác chiến, chủ tịch các cấp là người trực tiếp chỉ huy, nắm chắc mọi vấn đề và xử lý kịp thời. Đặc biệt, phải vận động dân hiểu việc chấp hành là trách nhiệm, nghĩa vụ để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đã đi kiểm tra các khu điều trị COVID-19, nơi cung cấp hàng hóa thiết yếu, các khu nhà trọ, nhà dân “vùng đỏ” tại Bình Dương. Thủ tướng đề nghị địa phương đầu tư đầy đủ trang thiết bị, thuốc và phải có bình oxy cho các trạm y tế để kịp thời xử lý ngay từ vòng đầu. Phải đáp ứng ngay về y tế, lương thực cho người dân, không để người dân nào phải chạy khắp nơi cầu cứu.
“Để giảm ca tử vong thì phải giảm F0, muốn giảm F0 phải cách ly, giãn cách xã hội triệt để. Phải biết bệnh nhân nào bị nặng để điều trị từ xa, từ sớm, ngay tại cơ sở; không để bệnh nhân chuyển nặng. Bộ Y tế phải sớm phân bổ vắc-xin và thuốc điều trị cho Bình Dương. Trong trường hợp cần thiết nhờ quân đội di dời doanh trại để nhường chỗ. Phải nắm tình hình chỗ nào cần di chuyển, sơ tán để phục vụ phòng, chống dịch địa phương phải linh hoạt, sáng tạo”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo.
Thủ tướng cũng yêu cầu địa phương động viên doanh nghiệp duy trì sản xuất, tránh gãy chuỗi sản xuất toàn cầu, vừa đảm bảo đời sống người lao động. “Cho dù doanh nghiệp có lỗ hoặc huề vốn cũng phải làm, phải biết chia sẻ khó khăn, không phải lúc nào cũng có lời, có lãi mới làm”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Đồng Nai: Phải xây dựng kịch bản xấu nhất
Chiều 27/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã thị sát công tác phòng, chống dịch tại một số địa phương và doanh nghiệp “3 tại chỗ” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và làm việc với lãnh đạo tỉnh này về công tác phòng chống dịch COVID-19.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Đồng Nai tiếp tục xét nghiệm tìm ra F0 để điều trị. Việc tiêm vắc-xin phải ưu tiên cho người già, người bệnh nền, phụ nữ mang thai. Phải kết hợp đông tây y trong điều trị COVID-19, phân tầng bệnh nhân phù hợp để giảm tỷ lệ tử vong. Từ phường, xã phải xây dựng kịch bản xấu nhất, cấp trên phê duyệt để kịp thời xử lý tình huống. Đối với hoạt động sản xuất, Thủ tướng yêu cầu nếu doanh nghiệp nào làm tốt công tác phòng, chống dịch, đủ điều kiện sản xuất thì địa phương phải nhanh chóng xem xét cho doanh nghiệp mở lại sản xuất để căn bản giữ được nguồn hàng, tránh đứt gãy sản xuất.
Thông qua báo cáo thử nghiệm giữa kỳ vắc-xin Nano Covax
Ngày 27/8, nguồn tin từ Học viện Quân Y cho biết, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học (Bộ Y tế) đã thông qua báo cáo thử nghiệm lâm sàng giữa kỳ giai đoạn 3a của vắc-xin “made in Việt Nam” Nano Covax vào buổi họp ngày 22/8. Sau khi hoàn thiện, chỉnh sửa theo yêu cầu, nhóm nghiên cứu Nano Covax đã nộp lại hồ sơ, chuyển lên hội đồng cấp phép. Cũng theo nguồn tin này, báo cáo chưa đánh giá hiệu lực bảo vệ mà mới chỉ đánh giá tính sinh miễn dịch của vắc-xin. Hiện nay, nhóm nghiên cứu tiếp tục thực hiện nghiên cứu, đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3b đã hoàn thành tiêm vào tháng 8.
Đến thời điểm hiện tại, Nano Covax là vắc-xin COVID-19 đầu tiên của Việt Nam đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn thứ 3. Sau hơn 8 tháng thử nghiệm lâm sàng 3 giai đoạn, đã có gần 14.000 người được tiêm thử nghiệm vắc-xin Nano Covax.