Thủ tướng Phạm Minh Chính: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng gặp gỡ các doanh nghiệp tư nhân sáng 21-9

Thủ tướng gặp gỡ các doanh nghiệp tư nhân sáng 21-9

Sáng 21-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh: “kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng của nền kinh tế".

Đến nay, theo các báo cáo, kinh tế tư nhân đóng góp 45% GDP, 40% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra 85% việc làm cho tổng số lao động, chiếm 35% kim ngạch nhập khẩu và 25% kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam đã có những tập đoàn tư nhân vươn ra khu vực và thế giới.

Thủ tướng cảm nhận rất rõ sự tham gia của các doanh nghiệp trong khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ như siêu bão Yagi vừa qua.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, nền kinh tế Việt Nam hiện còn nhiều khó khăn, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, thu nhập bình quân đầu người chưa cao. Do đó, cần có những đột phá, bứt phá trong giai đoạn tới để đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước.

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp”.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; các doanh nghiệp lớn còn nhiều rào cản, hạn chế; chưa phát huy hết tiềm lực, chưa thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt như kỳ vọng.

Cụ thể, hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp quy mô lớn nói riêng còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào.

Bên cạnh đó, thể chế, pháp luật còn một số vướng mắc, bất cập. Việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính chưa triệt để.

Ngoài ra, mặc dù đã xuất hiện đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn, nhưng chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chuyển giao công nghệ, chủ động liên doanh, liên kết, định hướng, dẫn dắt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia làm nhà thầu phụ cùng phát triển theo chuỗi giá trị.

"Chính phủ mong muốn doanh nghiệp phát huy tinh thần tiên phong, chủ động cùng Chính phủ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của đất nước"- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Đặng Minh Trường- Chủ tịch Tập đoàn Sun Group nhấn mạnh vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời đề xuất các giải pháp phát triển "ngành công nghiệp không khói".

Theo ông Đặng Minh Trường, cần thể chế hóa việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo cơ chế giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực thực hiện các dự án trọng điểm mang tính trọng điểm trong phát triển kinh tế-xã hội. Đi kèm với cơ chế lựa chọn này, cũng cần có các cơ chế đặc thù đi kèm.

"Đối với một dự án nếu đưa ra đấu thầu, đấu giá thì mất rất nhiều thời gian, 2-3 năm, thậm chí hơn. Tuy nhiên, với một số dự án lớn tạo động lực thì chỉ có một số doanh nghiệp đủ sức thực hiện, cuối cùng thì cũng sẽ chọn chúng tôi mà lại mất rất nhiều thời gian, chi phí, cơ hội và tiền bạc"- ông Trường nêu ví dụ.

Đồng thời, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group cũng kiến nghị xem xét áp dụng mô hình thương mại tự do tại các địa bàn tiềm năng du lịch biển đảo như Phú Quốc… nhằm phát triển thu hút đầu tư.

Ông Vũ Văn Tiền- Chủ tịch Tập đoàn Geleximco kiến nghị tăng cường phân cấp, phân quyền trong đầu tư các dự án. Theo ông Vũ Văn Tiền, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng động viên doanh nghiệp rất nhiều nhưng ở dưới có cả một “rừng” cơ chế, chính sách, chúng tôi vào không biết đi lối nào, ra lối nào.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mai Thanh- Chủ tịch Tập đoàn Ree Group còn kiến nghị thêm, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành có những chính sách miễn giảm thuế phù hợp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư…

Đại diện Tập đoàn Masan cũng kiến nghị gia tăng giá trị xuất khẩu cho Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng ẩm thực.

Tập đoàn Masan đề nghị Chính phủ ban hành lộ trình, chiến lược vươn ra toàn cầu của ẩm thực Việt Nam, xây dựng hình ảnh hưởng thương hiệu ẩm thực của quốc gia, tạo nên những ẩm thực đại sứ của Việt Nam.

Đây cũng là hình thức ngoại giao văn hóa đưa văn hóa ẩm thực Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-kinh-te-tu-nhan-la-mot-dong-luc-quan-trong-cua-nen-kinh-te-post590224.antd