Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngành Y tế tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển nhanh, bền vững

Ngành Y tế tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để ngành phát triển nhanh, bền vững; tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác, không để dịch chồng dịch…

Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2023 do Bộ Y tế tổ chức sáng 24/2, tại điểm cầu Chính phủ. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến nối điểm cầu Chính phủ với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố.

Ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh khác, không để “dịch chồng dịch”

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, năm 2022, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ của người dân, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế toàn ngành nên nhiều nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần tích cực vào thành công chung của đất nước trong năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Trần Minh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Trần Minh.

Nổi bật là: Hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 được Quốc hội giao; công tác xây dựng thể chế tiếp tục được chú trọng và từng bước hoàn thiện; tập trung giải quyết các khó khăn, tồn tại của ngành, bước đầu giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…

Việt Nam được đánh giá ngày càng cao trên bản đồ y tế thế giới

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong năm, ngành Y tế đạt và vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao và 13/16 chỉ tiêu cụ thể về y tế. Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh. Năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở được nâng lên. Hệ thống tổ chức, bộ máy của ngành được củng cố, kiện toàn... Qua đó, Việt Nam được đánh giá ngày càng cao trên bản đồ y tế thế giới.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Y tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan trên thực tiễn cần được khắc phục, nhất là khi dịch Covid-19 trên thế giới vẫn khó lường, khó dự báo. Hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn chưa hoàn thiện; tình trạng nghỉ việc, chuyển công tác của nhân viên y tế công lập, thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế vẫn còn; nguồn lực đầu tư cho y tế còn hạn chế chưa đủ nguồn lực phục vụ người dân.

Cùng với đó, năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế; chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra; công nghiệp dược, công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế; việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm được yêu cầu…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao tinh thần “Sâu y lý, giàu y đức, giỏi y thuật”, những đóng góp to lớn của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ y tế và những kết quả mà ngành Y tế đã đạt được, nhất là trong năm 2022, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần vào thành tựu chung trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong năm 2022, ngành Y tế triển khai nhanh, an toàn, khoa học, hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vắc-xin lớn nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia “đi sau về trước”, có tỷ lệ bao phủ và hiệu suất sử dụng vắc-xin cao. Cùng với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, ngành Y tế đã ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh khác, không để “dịch chồng dịch”…

Khắc phục tâm lý “sợ sai” đang xảy ra ở nhiều cơ sở y tế

Đồng ý với những khó khăn, hạn chế mà ngành Y tế đã nêu ra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ một số vấn đề đặt ra mà ngành Y tế, các ngành liên quan và các địa phương cần phối hợp khắc phục như: thu hút các nguồn lực xã hội, mô hình đối tác công - tư trong lĩnh vực y tế còn hạn chế; tự chủ trong ngành Y tế có xu hướng chững lại; vấn đề tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế chưa được cải thiện; chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhân viên y tế chậm được điều chỉnh...

Đặc biệt, vẫn còn tình trạng người dân không hài lòng với tinh thần, thái độ phục vụ của các cơ sở y tế công lập. Ý thức phục vụ người bệnh của một bộ phận y bác sỹ, nhân viên y tế chưa cao.

Trong khi đó, ngành Y tế phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: Trên thế giới, cơ cấu bệnh tật có nhiều thay đổi; ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội ngày càng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nhân dân; thách thức trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp thuốc, dịch vụ y tế ở trong nước; dịch Covid-19 khó dự báo. Bên cạnh đó, một số bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng có số ca mắc tăng; xuất hiện một số dịch bệnh mới như đậu mùa khỉ, bệnh do virus Marburg…

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Minh.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Minh.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, ngành Y tế tập trung triển khai đánh giá kết quả thực hiện việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập để hoàn thiện các quy định về mô hình tự chủ, đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

“Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi các nghị định liên quan theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính để giải quyết vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xác lập sở hữu toàn dân đối với trang thiết bị, vật tư tiêu hao…” - Thủ tướng chỉ đạo.

Bên cạnh đó, ngành Y tế phải triển khai hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.

“Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời, công khai, minh bạch; khắc phục tâm lý “sợ sai”, “làm ít sai ít”, “không làm, không sai” đang xảy ra ở nhiều cơ sở y tế” - Thủ tướng lưu ý.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực y tế

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, ngành Y tế khẩn trương tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW về củng cố và hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở, làm căn cứ xây dựng, trình ban hành chỉ thị của Ban Bí thư về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới; triển khai quyết liệt các chương trình, dự án đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực y tế; tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Lão khoa cơ sở 2…

Văn Nam

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-nganh-y-te-tap-trung-hoan-thien-the-che-chinh-sach-de-phat-trien-nhanh-ben-vung-122333.html