Thủ tướng Phạm Minh Chính: Người đứng đầu quyết liệt, chuyển đổi số mới thành công
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, người đứng đầu các cấp phải quyết liệt, dành thời gian công sức quan tâm chỉ đạo thì công cuộc chuyển đổi số mới thành công.
Đó là phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị chuyên đề Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) ngày 31-8. Hội nghị tổ chức tại Đà Nẵng, được kết nối trực tuyến đến các bộ ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành.
Kinh nghiệm từ Đà Nẵng
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay, tính đến tháng 7-2024, tỉ lệ DVCTT toàn trình của TP là 95% (trung bình các tỉnh/TP là 55%), tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình là 65% (trung bình các tỉnh/TP là 17%).
Ngoài ra, tỉ lệ số hóa, cấp kết quả thủ tục hành chính từ năm 2023 đến nay tại Đà Nẵng đạt 100% đối với giấy tờ đủ điều kiện. TP có gần 260.000 người dân trưởng thành có tài khoản công dân số và một kho dữ liệu số trên hệ thống chính quyền, đạt tỷ lệ 45%. Hơn 99% hộ gia đình có điện thoại thông minh.
Theo đánh giá của Bộ TT&TT, từ năm 2020 đến nay, Đà Nẵng luôn là địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số nói chung và DVCTT nói riêng. Đà Nẵng đang đứng đầu khối địa phương về triển khai DVCTT toàn trình.
Để đạt được kết quả này, Đà Nẵng đã triển khai kho dữ liệu điện tử của cá nhân, tổ chức trên nền tảng công dân số, cho phép mỗi người dân có thể chủ động đưa các giấy tờ đã được số hóa của mình lên kho dữ liệu điện tử.
Khi sử dụng DVCTT, người dân không phải khai báo lại, không nộp thêm giấy tờ nếu đã có trên Kho dữ liệu điện tử. Đặc biệt, người dân có thể chia sẻ giấy tờ từ Kho dữ liệu cho các bên mà vẫn được chấp nhận khi nộp hồ sơ xử lý các thủ tục.
Đồng thời, 12.000 thành viên của 2.400 Tổ công nghệ số cộng đồng tại Đà Nẵng đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để hỗ trợ người dân đăng ký, sử dụng DVCTT.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, có sáu bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình đẩy mạnh sử dụng DVCTT.
Bài học thứ nhất là phải xác định đúng mục tiêu. Mục tiêu cuối cùng của việc cung cấp DVCTT là người dân phải được hưởng lợi thông qua hồ sơ dịch vụ công phải được trực tuyến và toàn trình.
Bài học thứ hai, vai trò của người đứng đầu mang tính quyết định. Người đứng đầu phải muốn làm, trực tiếp làm, trực tiếp sử dụng và chỉ đạo quyết liệt, phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân trong việc triển khai DVCTT.
Bài học thứ ba, khi lên môi trường số phải thực hiện theo quy trình số, đơn giản, thuận tiện cho người dân. Đơn giản hóa thành phần hồ sơ theo nguyên tắc “một việc một lần làm, hồ sơ nộp một lần”.
Bài học thứ tư là mobile hóa việc cung cấp DVCTT, ưu tiên triển khai trên ứng dụng di động để tạo ra những kênh tương tác thuận tiện cho người dân.
Bài học thứ năm là phải hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT. Cuối cùng là phải có cơ chế, chính sách khuyến khích triển khai DVCTT.
Cấp nào gần dân nhất thì phân cấp để làm
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả đạt được trong công cuộc chuyển đổi số nói chung, DVCTT nói riêng tại các bộ ngành, địa phương.
Tuy nhiên theo Thủ tướng, vẫn còn một số mặt hạn chế về môi trường pháp lý, cơ chế chính sách cần phải làm tốt hơn. Cải cách thủ tục hành chính còn chậm, rườm rà, chưa được đơn giản hóa theo các Nghị quyết của Chính phủ. Kết quả thực hiện DVCTT không đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, người đứng đầu phải dành thời gian công sức quan tâm chỉ đạo, biểu dương khen thưởng kịp thời và xử lý vi phạm khuyết điểm theo đúng quy định. Phải đề cao trách nhiệm cá nhân, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một mục tiêu là cắt giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp, tạo thuận lợi tốt nhất để người dân, doanh nghiệp thực hiện DVCTT.
Hai trụ cột là kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính nội bộ và tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện DVCTT. Ba đột phá trọng tâm là pháp lý hóa, số hóa, tự động hóa.
Bốn không gồm: Không giấy tờ, không tiền mặt, không tiếp xúc nếu pháp luật không quy định và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Năm đẩy mạnh và tăng cường gồm: Tăng cường phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, đề cao trách nhiệm thực thi của các cấp các ngành, địa phương được phân cấp.
Tăng cường công khai minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với tích hợp kết nối, chia sẻ dữ liệu. Tăng cường đầu tư hạ tầng số. Tăng cường đối thoại và xử lý vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Tăng cường kiến thức, kỹ năng số, phát triển nhân lực số đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cắt giảm ít nhất 50% thủ tục hành chính nội bộ và cắt giảm 50% chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Khẩn trương phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện các thủ tục hành chính, cấp nào gần dân nhất thì giao cho cấp đó, tăng cường giao cho cơ sở.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, 100% cơ quan Nhà nước đã triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã để trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước.
100% các bộ ngành, địa phương đã được trang bị Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, trên quy mô quốc gia có Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Toàn quốc có 82,2% hộ gia đình sử dụng internet cáp quang băng rộng, 84% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh. 55,25 triệu tài khoản định danh điện tử VNeID đã được kích hoạt, đạt gần 73% tổng hồ sơ định danh điện tử.