Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển bền vững trên tinh thần 'đồng cam cộng khổ'
Cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã kiến nghị hàng loạt giải pháp nhằm giúp Việt Nam phục hồi phát triển kinh tế. Trong đó, đề nghị có thêm chính sách hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp, bỏ các rào cản về thuế.
Tại Phiên họp cấp cao Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2022 với chủ đề “Phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2021, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Trong năm 2021, gần 160 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt trên 2,89 triệu tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2020. Tuy đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và có những tác động tiêu cực tới trong nước và trên thế giới.
"Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi, tổng vốn đăng ký đạt trên 31 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào kết quả phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ, cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp trong nước có 10 kiến nghị các cơ quan nhà nước. Theo đó, cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã được giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, không phạt trả chậm tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 để có thêm thời gian phục hồi trả nợ và khắc phục nợ xấu là rất cần thiết. Ngoài ra, cần nhanh chóng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% đối với các khoản vay thương mại trong chương trình hỗ trợ phục hồi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Các gói vay lãi suất thấp trong thời hạn từ 3 đến 6 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động trong giai đoạn khôi phục kinh tế cần được triển khai mạnh mẽ.
Việc đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, đi lại cho lao động, chuyên gia; nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo cho người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với các thủ tục hành chính, tiến tới giải quyết hoàn toàn thủ tục hành chính trên môi trường mạng... là các vấn đề được doanh nghiệp đề cập.
Nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền, tránh tình trạng "cát cứ" mỗi địa phương đưa ra và hiểu một cách khác nhau gây khó khăn cho các hoạt động của doanh nghiệp; nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA, khơi thông các chính sách liên quan đến quy tắc xuất xứ, phát triển kinh tế số, thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.... cũng là những vấn đề được doanh nghiệp đặt ra.
Chính sách thuế vẫn gây khó khăn cho DN
Tại diễn đàn, ông Kim Han Yong - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham) phản ánh nhiều bất cập trong truy thu ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối DN Hàn Quốc vào đầu tư tại khu công nghiệp Tiên Sơn và Khu công nghiệp Quế Võ mở rộng của tỉnh Bắc Ninh.
Theo đó, tháng 6/2003, 117 công ty đã chuyển vào khu công nghiệp do tin tưởng vào chính sách thuế DN ưu đãi dành cho các công ty chuyển vào khu liên hợp công nghiệp (70% trong số đó là các công ty Hàn Quốc). Các công ty FDI đã được Ban Quản lý Cụm công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cấp giấy phép đầu tư với nội dung “dự án nằm trong khu công nghiệp” và được xác định là đối tượng hưởng ưu đãi.
Nhưng đến tháng 5/2016, công ty nhận được công văn của Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh với nội dung, khu vực liên hợp các khu công nghiệp Tiên Sơn mở rộng và khu công nghiệp Quế Võ của tỉnh Bắc Ninh vẫn chưa được xây dựng xong. Do đó, yêu cầu truy thu đối với nội dung ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà trước đó doanh nghiệp đã được công nhận. Chi cục Thuế tỉnh Bắc Ninh cũng làm thủ tục gửi thông báo đến từng công ty để yêu cầu khai báo bổ sung việc ưu đãi thuế doanh nghiệp trước đây và đôn đốc nộp thuế.
“Tổng số tiền các DN bị thiệt hại lên tới gần 300 tỷ đồng (gồm 182 tỷ đồng tiền thuế ưu đãi DN và 118 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế DN). Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng như UBND tỉnh Bắc Ninh hướng dẫn, phê duyệt thủ tục thành lập cụm công nghiệp tại các khu vực trên và duyệt cho các công ty đóng trên địa bàn các khu công nghiệp trên được hưởng ưu đãi về thuế doanh nghiệp trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục thành lập cụm công nghiệp”, Hiệp hội DN Hàn Quốc kiến nghị.
Đại diện KoCham còn phản ánh tình trạng, cơ quan thuế Việt Nam thanh tra và kiểm tra thuế quá mức gần đây đã khiến các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng cũng như các nhà đầu tư nước ngoài nói chung rất lo lắng và quan ngại. Có trường hợp cơ quan thuế của Việt Nam đánh thuế sau những giao dịch mà 10 năm trước theo luật pháp không bị đánh thuế. Điển hình như trường hợp 10 năm trước, một doanh nghiệp Hàn Quốc đã mua lại cổ phần của một doanh nghiệp được thành lập tại Hồng Kông (Trung Quốc) từ một doanh nghiệp Nhật Bản. Công ty có trụ sở tại Hồng Kông này nắm giữ 70% cổ phần của một doanh nghiệp Việt Nam, và cơ quan thuế đã đánh mức thuế chuyển nhượng vốn rất cao đối với doanh nghiệp Việt Nam cho phần vốn chuyển nhượng của doanh nghiệp nước ngoài (có trụ sở tại Hồng Kông) này.
Mặc dù Tổng cục Thuế đã có thông báo chính thức nêu rõ rằng cơ quan thuế Việt Nam không có quyền đánh thuế; đối tượng nêu trên không phải là đối tượng bị đánh thuế nhưng cơ quan thuế vẫn phản đối quan điểm trên và tiến hành đánh thuế với những giao dịch tại nước ngoài tương tự như trên.
“Việc đánh thuế trái với nguyên tắc tin cậy của cơ quan thuế Việt Nam có thể gây bất ổn cho nhà đầu tư nước ngoài và trở thành trở ngại cho việc tiếp tục đầu tư trong tương lai, cũng có thể đi ngược lại với lợi ích quốc gia và ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam”, KoCham đánh giá.
Trước các kiến nghị của Hiệp hội DN như KoCham, tại diễn đàn Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Đức Chi cho biết sẽ ghi nhận đầy đủ ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và có kế hoạch xử lý các vấn đề nêu trên.
Phát biểu kết luận diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam trong quá trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững trên tinh thần "đồng cam cộng khổ", "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, phản hồi và xử lý các ý kiến, kiến nghị xác đáng tại Diễn đàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong khâu thực thi, tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật, hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, thúc đẩy phát triển và phục hồi chuỗi sản xuất.