Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn làm trì trệ các hoạt động của nền kinh tế

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đó là tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước hết, chủ động phát hiện, tháo gỡ theo thẩm quyền những 'rào cản', 'điểm nghẽn' về thể chế, cơ chế, chính sách làm trì trệ các hoạt động của nền kinh tế.

Nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế

Chiều 26/7, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, với 479/479 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 95,99% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Phạm Minh Chính. "Đây là vinh dự lớn lao, đồng thời cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, trước đồng bào cử tri cả nước" - Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tại lễ nhậm chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức

Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những kinh nghiệm quý báu, bài học hay của Chính phủ qua các thời kỳ; xây dựng Chính phủ và chính quyền các cấp đoàn kết, liêm chính; kỷ luật, kỷ cương; tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; năng động, đổi mới sáng tạo; thấm nhuần phương châm đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.

Trước hết; “lấy dân làm gốc” và xuất phát từ quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đồng thời, chủ động, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược, 12 nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính: Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp; Đảng, Nhà nước thấu hiểu, chia sẻ với nhân dân những khó khăn, vất vả cả về tinh thần và vật chất khi phải tiến hành phong tỏa, cách ly.

Với tư tưởng chỉ đạo “chống dịch như chống giặc” và vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, an ninh, an toàn của nhân dân, nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu hiện nay của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là tập trung trí tuệ, nguồn lực, các biện pháp linh hoạt, sáng tạo, nhất là chiến lược vắc xin; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Bên cạnh đó, kêu gọi sự chung sức, đồng lòng, nâng cao ý thức chấp hành và tinh thần tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân” của nhân dân để chống dịch thành công; đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; tiếp tục xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Mặt khác, đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên trong Chính phủ và chính quyền các cấp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Có biện pháp cụ thể để cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội; khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với nâng cao năng lực cấp dưới; tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.

Đồng thời, phát huy tính chủ động, năng động sáng tạo ở các cấp; xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Có kế hoạch, biện pháp cụ thể để kiên quyết, kiên trì thúc đẩy đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, nhũng nhiễu, hách dịch, xa dân; xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

Một nhiệm vụ trọng tâm khác của Chính phủ đó là, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước hết, chủ động phát hiện, tháo gỡ theo thẩm quyền những “rào cản”, “điểm nghẽn” về thể chế, cơ chế, chính sách làm trì trệ các hoạt động của nền kinh tế.

“Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trong mọi điều kiện trên cơ sở phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, nội lực là cơ bản, quyết định, tranh thủ ngoại lực là quan trọng, cần thiết; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh kinh tế, an ninh tài chính tiền tệ” - Thủ tướng nêu.

Phát triển kinh tế số, xã hội số nhằm tạo động lực phát triển mới

Trong nhiệm kỳ 2021-2026, Chính phủ cũng sẽ huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh hợp tác công - tư, sử dụng nguồn lực Nhà nước dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực ngoài Nhà nước, trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, Nhân dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, tích cực hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng, bình đẳng cho các thành phần kinh tế, chủ thể sản xuất kinh doanh và người dân. Tập trung rà soát và đề xuất phương án xử lý kịp thời, hiệu quả những tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình thua lỗ kéo dài; tích cực khắc phục những hạn chế, bất cập và nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế nông nghiệp, bảo vệ tài nguyên, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tạo đột phá trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ hiện đại nhưng có trọng tâm, trọng điểm; phân bổ nguồn lực, giải quyết hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các vùng phát triển động lực với những vùng còn nhiều khó khăn thách thức, vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo.

Xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển mạnh mẽ giáo dục đào tạo, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng và hiện thực hóa chương trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số nhằm tạo động lực phát triển mới.

Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội hài hòa với phát triển kinh tế. Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tiếp tục củng cố tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc… “Chính phủ và cá nhân tôi nguyện cống hiến hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà Hiến pháp, pháp luật quy định, là cơ quan chấp hành của Quốc hội” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Phạm Minh Chính sinh ngày 10/12/1958, quê quán ở Thanh Hóa; là Tiến sỹ Luật học, Phó Giáo sư ngành Khoa học An ninh; trình độ lý luận chính trị: Cao cấp. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa XII; Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương khóa XII; Thủ tướng Chính phủ (từ tháng 4/2021); đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV; Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản của Quốc hội khóa XIV.

Quỳnh Nga - Đỗ Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-tap-trung-thao-go-diem-nghen-lam-tri-tre-cac-hoat-dong-cua-nen-kinh-te-161224.html